Tầm nhìn dài hạn cho ĐBSCL

01:05, 28/05/2019

Mục tiêu của quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hướng vùng đất này trở thành khu vực phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng; thu nhập bình quân đầu người của vùng cao hơn bình quân quốc gia, sinh kế người dân được đảm bảo…

Mục tiêu của quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hướng vùng đất này trở thành khu vực phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng; thu nhập bình quân đầu người của vùng cao hơn bình quân quốc gia, sinh kế người dân được đảm bảo…

Quy hoạch tiên phong

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chọn An Giang làm địa điểm tổ chức hội thảo khởi động lập Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo có sự tham gia trao đổi ý kiến, chia sẻ, phản biện của đại diện 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, Ủy ban sông Mekong, các viện, trường, các chuyên gia trong và ngoài nước, chuyên gia của tổ chức tư vấn Royal HaskoningDHV-GIZ…

Sau đó, tại Hà Nội, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo này. Việc xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL là dự án đầu tiên tổ chức lập quy hoạch vùng theo cách tiếp cận tích cực đa ngành của Luật Quy hoạch.

 

ĐBSCL được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của vùng lại thấp hơn mức trung bình cả nước. ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, hoạt động ngăn dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong...

Để giải quyết các vấn đề, thách thức của vùng, ngày 17-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết 120). Nghị quyết đã đề ra 5 nhóm giải pháp tổng thể, trong đó có nhóm giải pháp về xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Thực hiện Nghị quyết 120, Bộ KH&ĐT đã tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong khuôn khổ của tiểu dự án 6 (thuộc Hợp phần 1, Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, do WB tài trợ).

“Việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới được kỳ vọng sẽ mang đến tầm nhìn mới, cơ hội mới, đưa vùng ĐBSCL vươn lên trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Từ đó, đón đầu các xu thế phát triển toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, phát triển vùng ĐBSCL bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế - xã hội - môi trường và thích ứng với BĐKH” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh khẳng định.

Cần tăng cường liên kết

Để đảm bảo tiến độ được giao theo Nghị quyết 120, việc tổ chức lập quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ được thực hiện trong khoảng 20 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2020.

Để có thể tổ chức lập quy hoạch thành công đồng bộ, hiệu quả theo Luật Quy hoạch, cần sự tham gia chặt chẽ, có trách nhiệm của các bộ, ngành, của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ông Achim Fock (Giám đốc Điều phối hoạt động dự án tại Việt Nam) cho rằng, để có được quy hoạch tích hợp phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, các bên liên quan phải được chia sẻ những nhận thức đầy đủ.

“Mục tiêu của dự án là phải làm thế nào để khai thác được nhiều điều kiện tốt hơn, tạo được hiệu quả cao. Trong đó, việc kết nối vùng là quan trọng nhất, đảm bảo làm sao quy hoạch vùng phù hợp và thích ứng với quy hoạch tỉnh, làm sao gắn các địa phương, các ngành thành một khối thống nhất” - ông Achim Fock nhấn mạnh.

Theo chuyên gia của WB, phải đưa vào quy hoạch những dự báo, bối cảnh, kịch bản khác nhau của vùng ĐBSCL để từ đó, đưa ra những dự kiến đầu tư, dựa vào lợi thế của các địa phương. Có thể nghiên cứu xây dựng những tiểu vùng nhỏ để thu hút những hướng đầu tư khác nhau, quy hoạch cần nêu rõ được những sự khác nhau của các tiểu vùng.

Nếu tổ chức lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả, ĐBSCL được kỳ vọng sẽ có cơ hội bứt phá phát triển. Khi tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” và ban hành Nghị quyết 120, Chính phủ xây dựng tầm nhìn đến năm 2100 sẽ đưa ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 9% (hiện nay là 4,3%), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.

Cùng với quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, hệ thống thủy lợi cũng được quy hoạch nhằm phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”, khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển, khai thác lợi thế lũ vùng thượng nguồn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo NGÔ CHUẨN/TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh