Nối quá khứ và tương lai

10:05, 06/05/2019

Một thoáng nhanh như cái chớp mắt, TP Vĩnh Long đã đi được chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển. Từ những học sinh háo hức trước pháo bông rực rỡ đêm 30/4 vào 10 năm trước, ngày hôm nay, chúng tôi đã "đủ lông đủ cánh" bước vào đời, sống với niềm tri ân ngày hôm qua và kỳ vọng vào ngày mai...

Một thoáng nhanh như cái chớp mắt, TP Vĩnh Long đã đi được chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển. Từ những học sinh háo hức trước pháo bông rực rỡ đêm 30/4 vào 10 năm trước, ngày hôm nay, chúng tôi đã “đủ lông đủ cánh” bước vào đời, sống với niềm tri ân ngày hôm qua và kỳ vọng vào ngày mai...

Trưởng thành trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ xíu, bà nội đã nhắc nhở chúng tôi những ngày cuối tháng tư lịch sử sẽ là ngày để biết ơn.

Biết ơn những người đã nằm xuống để nhớ bổn phận gìn giữ hòa bình được trao truyền cho hôm nay. Người hôm qua giã biệt gia đình, lên đường viết trang sử hào hùng cho dân tộc bằng những giọt mồ hôi, bằng máu và nước mắt. Người hôm nay phải biết lựa chọn hòa bình và nối dài hòa bình ấy mãi mãi.

Sự hy sinh nào cũng lớn lao. Có những hy sinh không thể đong đếm hết sự lớn lao. Hàng ngàn con người, hàng ngàn trí tuệ, nhân lực của mảnh đất này đã ngã xuống. Thế hệ trẻ có trách nhiệm nâng niu, trân quý hòa bình để làm tiền đề, động lực cho phát triển.

Đất nước mình, những vùng châu thổ do phù sa bồi đắp, lấn biển mà thành. Từ phù sa bùn mềm lỏng, rừng mắm mọc lên cho chắc đất. Rồi rừng mắm dần được thay thế bằng những rừng tràm xanh tít tắp. Sau mấy đời tràm làm cho đất thuần, nước mặn chuyển thành ngọt, lúc bấy giờ cây ăn trái mới mọc lên.

Một nhân vật trong truyện “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc đã nói rất hay về sự liên tục tiếp nối thế hệ này như sau: “Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn.

Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng”...

Điều hiển nhiên cũng là trách nhiệm của thế hệ “xoài, mít, dừa, cau”… là phải cho những mùa trái ngọt. Đó là câu trả lời về lòng biết ơn những người đi trước trên mảnh đất quê nhà. Những ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,… luôn có ý nghĩa lớn.

Và mới đây, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó bổ sung ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7) là ngày nghỉ lễ để có thời gian thực hiện những hoạt động tri ân người có công với cách mạng, với đất nước.

Thế hệ “xoài, mít, dừa, cau”… là dấu gạch nối của ngày hôm qua và ngày mai. Họ sẽ luôn được nhắc nhớ và lan tỏa việc tri ân tổ tiên, cha mẹ, không quên đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh