Quản lý chặt chẽ người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ

06:05, 16/05/2019

Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa giám sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại một số địa phương. Theo đó, việc quản lý, giám sát người chấp hành án được địa phương thực hiện khá tốt, song, vẫn có trường hợp người thi hành án chưa chấp hành tốt các quy định hoặc không có mặt tại địa phương, gây khó khăn trong việc thi hành án.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa giám sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại một số địa phương. Theo đó, việc quản lý, giám sát người chấp hành án được địa phương thực hiện khá tốt, song, vẫn có trường hợp người thi hành án chưa chấp hành tốt các quy định hoặc không có mặt tại địa phương, gây khó khăn trong việc thi hành án.

Đoàn giám sát tại xã Hòa Tịnh (Mang Thít).
Đoàn giám sát tại xã Hòa Tịnh (Mang Thít).

Vẫn còn khó khăn

Tính đến cuối tháng 3/2019, TX Bình Minh đang quản lý 29 trường hợp chấp hành án treo và 17 trường hợp chấp hành án cải tạo không giam giữ.

“Bị án” khi về địa phương chấp hành án đều chí thú làm ăn, không tái phạm, tuân thủ tốt các quy định của UBND cấp xã. Khi có giấy triệu tập, bị án trình diện đúng thời gian và khi chấp hành án xong thì đến cơ quan thi hành án hình sự làm thủ tục theo trình tự.

Tuy nhiên, thời gian qua có trường hợp khi tòa án ra quyết định thi hành án và chuyển hồ sơ đến cơ quan thi hành án cấp huyện nhưng một số bị án không có mặt ở địa phương nên cơ quan thi hành án không thể triệu tập để thực hiện các thủ tục được quy định tại Điều 62 Luật Thi hành án hình sự, trong khi địa phương không nắm được là bị án đó đã đi đâu và làm gì.

Trong một số trường hợp, người thân của các bị án không cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nên bản án dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng trên thực tế không thể thi hành được.

Đôi khi, huyện mang hồ sơ chuyển giao cho cấp xã mới phát hiện bị án có mặt tại địa phương nhưng không đăng ký thường trú, tạm trú hoặc đi khỏi địa phương nhưng không khai báo tạm vắng.

Vì vậy, UBND cấp xã không chấp nhận bàn giao để quản lý, giám sát, buộc cán bộ thụ lý phải vận động, triệu tập bị án đến công an khai báo và đăng ký cư trú theo quy định.

Trung tá Nguyễn Văn Gọn- Trưởng Công an xã Phú Quới (Long Hồ) cho biết, địa phương đang tiếp nhận quản lý, giám sát 2 trường hợp là: bị án N.V.H. thi hành 18 tháng án treo, thử thách 36 tháng vì tội “Hủy hoại tài sản” và bị án Đ.V.N. thi hành án cải tạo không giam giữ vì tội “Trộm cắp tài sản”. 2 bị án này địa phương giao cho Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã giám sát, quản lý.

Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Văn Gọn, thời gian qua có một số trường hợp chưa tuân thủ nghiêm túc quy định về việc thi hành án tại địa phương, buộc công an xã phải ra lệnh triệu tập thì bị án mới chấp hành.

Tăng cường quản lý, giám sát

Theo Cơ quan thi hành án hình sự (Công an huyện Mang Thít), sau khi nhận bản án và quyết định thi hành án do TAND bàn giao, cơ quan thi hành án ra quyết định, triệu tập bị án để làm thủ tục thi hành án, ấn định thời gian có mặt tại UBND cấp xã nơi cư trú.

Bà Lê Ngọc Sen- Chủ tịch UBND xã Hòa Tịnh (Mang Thít)- cho biết, khi nhận bàn giao người chấp hành án tại xã, căn cứ vào từng đối tượng mà địa phương ra quyết định phân công từng ban ngành, đoàn thể trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục về việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cơ quan Thi hành án hình sự (Công an huyện Mang Thít), việc theo dõi, quản lý người chấp hành án tại một số nơi vẫn chưa thực hiện tốt.

Bị án nhận ủy thác từ nơi khác chuyển đến thì cơ quan thi hành án ra quyết định triệu tập nhưng không có mặt ở địa phương nên không thể làm thủ tục chấp hành án, đăng ký và bàn giao hồ sơ thi hành án,…

Bên cạnh, người được phân công theo dõi, giám sát đối tượng thi hành án chưa làm tốt nhiệm vụ nên công an phải làm thay.

Đại tá Phùng Văn Mười- Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên đoàn giám sát- cho rằng: Trường hợp những đối tượng chấp hành án tại địa phương nhưng không chấp hành quy định, lệnh triệu tập khi có yêu cầu cho thấy sự xem thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, cơ quan chức năng, địa phương nên quản lý chặt chẽ đối tượng, mời lên giáo dục ngay.

Ông Nguyễn Hữu Trí- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh- lưu ý các địa phương nên kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ quản lý người chấp hành án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát những trường hợp đã chấp hành án tốt để đề xuất giảm thời gian thử thách tại địa phương, đảm bảo quyền lợi người chấp hành án.

Án treo là biện pháp miễn phạt tù có điều kiện, cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính. Án treo và cải tạo không giam giữ đều không cách ly người bị kết án khỏi xã hội mà giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương giám sát, giáo dục.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh