Mưa chuyển mùa, đề phòng gió lốc

05:05, 07/05/2019

Vừa qua, một cơn mưa lớn kèm gió lốc đã khiến cho nhiều nhà dân bị hư hại. Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cảnh báo, vào thời kỳ chuyển mùa, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn đến rất lớn trong thời đoạn ngắn, lốc, giông và sét.

Vừa qua, một cơn mưa lớn kèm gió lốc đã khiến cho nhiều nhà dân bị hư hại. Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cảnh báo, vào thời kỳ chuyển mùa, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn đến rất lớn trong thời đoạn ngắn, lốc, giông và sét.

Cơn mưa kèm gió mạnh ngày 2/5 khiến nhiều căn nhà bị tốc mái.
Cơn mưa kèm gió mạnh ngày 2/5 khiến nhiều căn nhà bị tốc mái.

Anh Hứa Anh Tuấn (xã Long Phước- Long Hồ) cho biết cơn mưa ngày 2/5 bất chợt kéo ngang, gió lốc làm nhà anh bị tốc mái tôn, hư hại la phông, ngoài vườn thì cây cối ngã đổ, bật gốc. Một số nhà xung quanh cũng bị thiệt hại đáng kể.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, trận mưa lớn, gió mạnh vừa qua đã gây thiệt hại 20 căn nhà, tập trung chủ yếu ở huyện Long Hồ gồm 16 căn, trong đó thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) 2 căn nhà ở xã Long Phước, thiệt hại rất nặng (50- 70%) 14 căn ở các xã: Phước Hậu, Đồng Phú, Long Phước. Riêng tại TP Vĩnh Long cũng thiệt hại 4 căn nhà trong trận mưa này.

Khi sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các huyện- thị- thành kết hợp cùng với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ, kết hợp nhân dân địa phương hỗ trợ gia đình bị thiệt hại sửa chữa nhà cửa để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo nhận định sơ bộ xu thế mùa mưa, bão, lũ năm 2019 của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, thời kỳ chuyển mùa mưa xuất hiện vào đầu tháng 5.

Thời kỳ kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm, tương đương năm 2018, khoảng giữa tháng 10. Lượng mưa phổ biến hụt so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 6 và tháng 9 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Ngành chuyên môn cũng đưa ra cảnh báo cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn đến rất lớn trong thời đoạn ngắn, lốc, giông, sét vào thời kỳ chuyển mùa.

Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm, cả năm có khoảng 10- 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và trong đó có khoảng 4- 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Nhận định năm 2019, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh- thành Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Về thủy văn, mực nước vùng hạ lưu sông Cửu Long tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), mực nước cao nhất sẽ đạt mức 1,9- 2m (trên báo động 3 từ 0,1- 0,2m), xuất hiện cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Tình hình thời tiết, thủy văn năm nay còn diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét ảnh hưởng đến phạm vi tỉnh trong các tháng đầu mùa và bão, lũ, triều cường trong các tháng cuối mùa mưa.

Gió mạnh cũng làm cho nhiều cây cối đổ ngã.
Gió mạnh cũng làm cho nhiều cây cối đổ ngã.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang bước vào thời kỳ đầu mùa mưa, bão năm 2019. Trong những ngày qua, các nơi trong tỉnh đều có mưa vừa đến mưa to, trong cơn mưa kèm theo giông mạnh và sét làm sập và tốc mái một số nhà ở các địa phương trong tỉnh.

Thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do giông lốc, sét, mưa lớn, sạt lở bờ sông… vào thời điểm giao mùa và mùa mưa, bão, lũ năm 2019, mới đây, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh có văn bản đề nghị ban chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, mưa, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, nhằm kịp thời thông báo diễn biến của mưa, bão, lũ đến các xã- phường- thị trấn và người dân, nhất là các hộ dân đang sinh sống cũng như sản xuất ở vùng thấp, vùng trũng ven sông.

Qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông, lốc xoáy gây sập, tốc mái.

Song song đó, chỉ đạo thực hiện việc chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây ở gần nhà ở, lưới điện…, kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các dàn giáo của công trình cao tầng đang thi công.

Bên cạnh, tổ chức kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn, các vị trí có nguy cơ và đã sạt lở; chủ động huy động vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”; không để xảy ra tình trạng vỡ, tràn bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Chủ động máy bơm để bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với những khu vực thấp, trũng không có bờ bao bảo vệ trong mùa mưa, bão, lũ.

Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu các lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, nhắc nhở các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản không di dời lồng, bè vào sát bờ, đề phòng sạt lở bờ sông gây thiệt hại về người và tài sản.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh