Long Hồ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch

06:05, 30/05/2019

Trong những năm qua, huyện Long Hồ đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, kinh tế địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Do vậy, trong định hướng phát triển kinh tế của huyện cần sự quyết tâm, phấn đấu rất lớn để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 

PV: Huyện Long Hồ đang có những khó khăn, vướng mắc nào có thể xem là “rào cản”, làm chậm sự phát triển của địa phương, thưa ông?

 

* Ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện: Huyện Long Hồ có 3 tuyến quốc lộ đi qua gồm: QL1, QL53, QL57 nên có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, do các tuyến quốc lộ hiện nay đã bị xuống cấp trầm trọng, nhất là QL53 nên rất khó thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do nguồn thu của huyện chủ yếu từ thu tiền sử dụng đất và nguồn vốn trợ cấp cân đối từ cấp trên, nên không thể đáp ứng đủ nguồn vốn đầu tư cho toàn huyện. Trong khi đó, huyện còn nhiều xã nông thôn, hạ tầng giao thông chưa phát triển.

Trong những năm qua, huyện Long Hồ đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, kinh tế địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Do vậy, trong định hướng phát triển kinh tế của huyện cần sự quyết tâm, phấn đấu rất lớn để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long về vấn đề này, ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện- cho rằng:

- Huyện Long Hồ có điều kiện tự nhiên ưu đãi, đặc biệt có thế mạnh ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngành nông nghiệp huyện khá phát triển và sản xuất được quanh năm, nông thôn khá trù phú, dân cư quần tụ đông đúc, kinh tế miệt vườn là truyền thống. Đặc biệt, vùng cây ăn trái đặc sản ở 4 xã cù lao của huyện có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực khai thác du lịch sinh thái kết hợp phát triển kinh tế vườn.

Là một huyện thuần nông, để phát triển kinh tế ngoài việc phải chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, còn phải thúc đẩy phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại- dịch vụ.

* Với định hướng chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, việc thực hiện đã đạt kết quả nổi bật gì, thưa ông?

- Những năm qua, kinh tế của huyện đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp- TTCN thực hiện năm 2018 ước đạt trên 2.340 tỷ đồng, đạt 112,19% kế hoạch, tăng 8,46% so năm trước. Thương mại- dịch vụ tăng trưởng đều hàng năm. Riêng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 5.188 tỷ đồng, tăng hơn 11%. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống gần 887 tỷ đồng, đạt 102,11% kế hoạch, tăng 10,21%. Thành lập mới 27 doanh nghiệp, 107 cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 9.638 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 280 doanh nghiệp và 9.358 hộ cá thể. Hoàn thành chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Phú Quới và đã có chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ Hòa Ninh.

Địa bàn huyện hiện có Khu công nghiệp Hòa Phú, Tuyến công nghiệp Cổ Chiên, các trường ĐH, trường nghề… Qua đó, tạo điều kiện cho địa phương phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ công nhân, sinh viên các trường, tạo nguồn thu cho địa phương. Đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương và các vùng lân cận, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

* Long Hồ còn có lợi thế du lịch sinh thái miệt vườn, huyện đã và đang làm gì để du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết của Tỉnh ủy, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Huyện ủy Long Hồ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 11, nhằm tạo động lực và xem đây là “chìa khóa” để “mở ra cánh cửa mới” thúc đẩy du lịch huyện tiếp tục vươn xa và phát triển bền vững.

Mục tiêu của Chương trình hành động là phấn đấu đến năm 2020 du lịch Long Hồ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu đủ sức cạnh tranh. Xây dựng Long Hồ không chỉ là điểm dừng chân mà trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo, mến khách. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển theo hướng du lịch sinh thái sông nước kết hợp văn hóa, danh nhân, trang trại, nuôi trồng thủy sản, làng nghề, mua sắm, vui chơi giải trí, trải nghiệm theo loại hình “Tây ở nhà ta”, nhằm hướng tới phát triển lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm từ 5- 7%, doanh thu tăng 10%.

Ngành du lịch Long Hồ đặt mục tiêu trở thành một trong những địa phương được tỉnh Vĩnh Long tập trung quy hoạch thành các vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm của tỉnh. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mà tỉnh có thế mạnh đó là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, loại hình du lịch homestay, dịch vụ giải trí sông nước (cù lao An Bình), tham quan, tìm hiểu các công trình văn hóa trọng điểm, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, chùa Tiên Châu)...

Để đạt mục tiêu, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ và sự cần thiết phát triển du lịch, đặc biệt là cung cấp cho những người trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương và những kỹ năng giao tiếp, thể hiện thái độ thân thiện, ân cần, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.

* Vâng, có thể nói đó là kết quả của sự chuyển dịch rất tích cực của nền kinh tế địa phương. Và để tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng kinh tế địa phương, huyện Long Hồ sẽ ưu tiên những khâu đột phá nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Mặc dù còn gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng trưởng kinh tế còn nhiều yếu tố chưa bền vững; chuyển dịch kinh tế đúng hướng, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu… Nhưng với thành tựu đạt được trong những năm qua và sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân sẽ là nền tảng, tạo đà cho sự phát triển ổn định, nhanh và bền vững trên tất cả lĩnh vực trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đó là tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2018- 2020. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn và phát triển du lịch sinh thái ở các xã cù lao, đồng thời phát triển chăn nuôi, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản và làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

* Cảm ơn ông.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh