Tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Cửu Long trong đào tạo nguồn nhân lực từ giai cấp công nông

05:05, 10/05/2019

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề diệt giặc đói, diệt giặc dốt, coi đây là 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của nước nhà lúc bấy giờ.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề diệt giặc đói, diệt giặc dốt, coi đây là 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của nước nhà lúc bấy giờ.

Ngày 8/9/1945, Bác Hồ đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ- cơ quan chỉ đạo chăm lo việc học cho nông dân, thợ thuyền và tất cả những người chưa biết chữ. Tháng 10/1945, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi chống nạn thất học. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.

Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Lời kêu gọi của Bác về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng thấm sâu lan tỏa đến mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đẩy lùi giặc dốt.

Các đồng chí từng là học viên Trường Bổ túc văn hóa thanh niên Công nông: Thạch Dư (bìa phải), Phạm Hoàng Khải (thứ 3 từ phải sang),  Ngô Thanh Hòa (bìa trái).
Các đồng chí từng là học viên Trường Bổ túc văn hóa thanh niên Công nông: Thạch Dư (bìa phải), Phạm Hoàng Khải (thứ 3 từ phải sang), Ngô Thanh Hòa (bìa trái).

Tư tưởng của Bác được lãnh đạo tỉnh Cửu Long vận dụng

Vài tháng sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cả nước đã hình thành được hệ thống ty giáo dục. Ty là một đơn vị quản lý giáo dục cách mạng trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ chủ yếu là chỉ đạo “Thoát mù chữ và Bình dân học vụ”, vận động trong nhân dân phong trào “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” cho đến khi hòa bình lập lại năm 1954.

Sau 1954, phong trào bình dân học vụ ở tỉnh Vĩnh Long cũng được phát động rất sôi nổi nhằm tiếp tục thực hiện phương châm trên.

Đến cuối 1965, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo ngành giáo dục mở các lớp bổ túc văn hóa (BTVH) công nông để bồi dưỡng trình độ học vấn cho cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Lúc bấy giờ, Tiểu ban Giáo dục đã quyết định mở lớp BTVH cho cán bộ từ huyện trở lên; lớp đặt tại Ấp 7, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình với 4 khóa có gần 200 học viên.

Bộ phận quản lý do đồng chí Ba Thà và đồng chí Tám Tuấn phụ trách. Giáo viên thì vận động các đồng chí Mười Rua, Ba Kiệt, Mười Hoàng cùng một số đồng chí khác miễn biết chữ là tham gia giảng dạy. Bộ phận y tế và phục vụ hậu cần các lớp này do đồng chí Trần Thị Út Mười chịu trách nhiệm. Các lớp học này đã kết thúc vào cuối năm 1966.

Những năm 1968- 1969, Tiểu ban Giáo dục tiếp tục vận động được một số người dân ở Hóa Thành đứng ra làm giáo viên dạy bình dân học vụ, trong đó có cả những người gốc Bắc di cư được nhân dân địa phương gọi thân mật là “Bắc kỳ Một”, “Bắc kỳ Hai”, “Bắc kỳ Ba” đều tham gia dạy học cho con em địa phương.

Nhìn chung, công tác BTVH phát triển mạnh nhất là từ những năm 1970- 1972. Các cơ quan đoàn thể cũng như các đơn vị lực lượng vũ trang đều rất tích cực hưởng ứng và tham gia. Việc tổ chức học BTVH từ trong nội bộ cơ quan đến nhân dân- nơi mà mỗi cơ quan đơn vị đóng quân.

Cán bộ Tiểu ban Giáo dục được phân công phụ trách công tác bổ túc cán bộ là đồng chí Trần Văn Liệt (Tám Trọng). Các đơn vị có phong trào BTVH thời kỳ này mạnh nhất là Tỉnh đội (Tiểu đoàn 857), Quân y tỉnh, Giao liên tỉnh, Tỉnh đoàn...

Có những lúc, Tiểu ban Giáo dục cử đồng chí Trần Văn Liệt (Tám Trọng) tăng cường đến Tỉnh đội, vừa làm trợ lý BTVH vừa trực tiếp tham gia giảng dạy BTVH cho Tiểu đoàn 857.

Vào những năm 1972- 1975, Trường BTVH Công nông kháng chiến của tỉnh Vĩnh Long chính thức ra đời do đồng chí Nguyễn Doãn Tịnh (Ba Tịnh) và đồng chí Nguyễn Thái Đỉnh (Tư Đạo) được cử đi mở trường và 2 đồng chí trở thành hiệu trưởng và hiệu phó.

Trường đóng ở Ấp 3, Trung Hòa, Trung Hiếu giáp ranh với xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long của Trà Vinh. Từ 1972 đến đầu 1975, trường đã bồi dưỡng được hơn 60 cán bộ, chiến sĩ từ mù chữ đã đạt trình độ hết lớp 3 hoặc lớp 5.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Trường BTVH Công nông cho cán bộ kháng chiến được Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định tổ chức thành Trường Công nông 1 dành cho cán bộ. Sau khi tỉnh Cửu Long thành lập (sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh), Tỉnh ủy quyết định thành lập Trường Công nông 2.

Đối tượng chiêu sinh là thanh thiếu niên con liệt sĩ, thương binh, cán bộ quân đội và gia đình chính sách, đoàn viên thanh niên mới tham gia cách mạng trước và sau ngày 30/4 để đào tạo nguồn cán bộ. Hiệu trưởng đầu tiên là đồng chí Võ Ngọc Khánh (Út Mễ).

Phó Hiệu trưởng gồm có 3 đồng chí Sáu Hiền, Lê Minh Kiệp (Tư Kiệp) và Tư Minh. Sau 2 năm hoạt động, Trường Công nông 1 được sáp nhập về Trường Công nông 2 thành Trường BTVH thanh niên Công nông.

Như vậy, trong hệ thống các trường bổ túc công nông từ trong kháng chiến đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì Trường BTVH Công nông Cửu Long có thời gian hoạt động lâu dài nhất, với quy mô lớn nhất và đào tạo được đội ngũ cán bộ đạt cả 2 yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Đây là ngôi trường đã từng phục vụ nhiệm vụ chính trị về đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Cửu Long trước kia và tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh sau này.

Điều đặc biệt đối với Trường BTVH Công nông ban đầu là chỉ tuyển sinh cấp 2, nhận học sinh có trình độ lớp 5, nhưng thực chất là phải dạy lại từ lớp 2, 3, 4, thậm chí còn phải dạy lại kiến thức lớp 1. Sau 8 năm hoạt động, theo sự phát triển kinh tế- xã hội, trường chỉ tuyển sinh cấp 3.

Đến năm 1987, tuyển thêm 4 lớp phổ thông (theo hình thức cuốn chiếu) bên cạnh chương trình bổ túc để chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ hệ chính trị và tuyên huấn với khoảng 100 học sinh.

Như vậy, thời điểm sĩ số cao nhất có 8 lớp bổ túc cấp 3. Nhìn chung, sĩ số học viên của trường luôn có khoảng trên dưới 900.

Tự hào về hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực của trường

Đồng chí Nguyễn Văn Quân- nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (dấu X, hàng thứ ba) cùng thầy cô và các bạn lớp 12B. Ảnh chụp năm 2004.
Đồng chí Nguyễn Văn Quân- nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (dấu X, hàng thứ ba) cùng thầy cô và các bạn lớp 12B. Ảnh chụp năm 2004.

Nhìn lại quãng đường đã qua của Trường BTVH Công nông với những thành tựu về nguồn nhân lực kết hợp việc nhìn lại bản Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ- một di sản vô giá cho hôm nay và muôn đời sau, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà mỗi người dân Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm khảm, với những tư tưởng cơ bản, thể hiện tầm nhìn xa, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức cách mạng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng của Người được lãnh đạo tỉnh Cửu Long vận dụng trong quá trình chỉ đạo đối với công tác GD- ĐT của tỉnh. Chúng ta có quyền tự hào về hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc thành lập Trường BTVH Công nông, khi mà đến nay có đến 4 ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa đã từng học tập tại đây như đồng chí Nguyễn Văn Quân- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đồng chí Sơn Song Sơn- nguyên Trưởng Ban Dân tộc Chính phủ, đồng chí Sơn Thắng- Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, đồng chí Trần Trí Dũng- Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; đồng chí Thạch Dư- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra, còn có các đồng chí: TS Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Vĩnh Long; các đồng chí Võ Công Lý, Phạm Văn Lực- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; Trần Khiêu- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; Lê Thanh Xuân- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng nhiều đồng chí đang giữ chức hoặc kinh qua ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.

Chúng ta tổ chức họp mặt Trường BTVH Công nông qua các thời kỳ nhân dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổng kết 50 năm học tập và làm theo Di chúc Bác Hồ, với những điều tâm huyết mà Bác đã dặn dò là những vấn đề cốt lõi để Đảng ta, nhân dân ta thực hiện trong suốt 50 năm qua và mãi về sau này.

Và, có thể nói, chủ trương đào tạo học sinh Công nông của Tỉnh ủy Vĩnh Long trong kháng chiến cũng như sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng của tỉnh Cửu Long cũng là sự nghiêm túc thực hiện theo Di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau như Bác đã viết trong Di chúc dự thảo đầu tiên, vào tháng 5/1965 là: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết;

đến Di chúc 1969 Bác đã viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”(*).

Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đặc biệt là những thành tựu đổi mới của đất nước nói chung cũng như của địa phương nói riêng, tự hào về tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh chúng ta trong việc đào tạo nguồn nhân lực từ giai cấp công nông với mục tiêu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của Bác Hồ cho thế hệ trẻ của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, tr. 616 và 612, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

NGND TS Đặng Huỳnh Mai (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Cửu Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh