Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại, mà phải bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bộ đội Trường Sơn xây nên.
Không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại, mà phải bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bộ đội Trường Sơn xây nên.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2019), sáng 14/5, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”.
Năm 1960, Gia Nghĩa là nơi hai tuyến đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, Bắc-Nam gặp nhau, khai thông tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Vì thế hôm nay, Gia Nghĩa được chọn là nơi diễn ra hội thảo.
Dự hội thảo có 350 đại biểu là các tướng lĩnh quân đội, những người đã trực tiếp tham gia mở đường trong chiến tranh, những người tham gia nâng cấp Đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học, đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương các tỉnh trong khu vực.
Cách đây 60 năm, trước yêu cầu đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng tại miền Nam, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam. Đây là sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Đảng, thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Diễn văn khai mạc hội thảo của Thượng tướng Lê Chiêm- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo nêu rõ: Điều làm nên sự huyền thoại của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ vai trò đóng góp của con đường đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà còn là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung.
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, thông qua cuộc hội thảo này, cùng với độ lùi của thời gian, tầm nhìn mới, tư liệu mới tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trong này, đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Suốt 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975) hệ thống giao thông huyết mạch Trường Sơn không chỉ giữ vai trò là tuyến vận tải quân sự hậu cần chiến lược mà còn là chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch; nơi hội tụ sức mạnh niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Bằng nỗ lực phi thường và ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, các lực lượng ta trên đường Trường Sơn đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược ngày càng hoàn chỉnh với chiều dài gần 17.000 km gồm 5 trục dọc men theo dãy Trường Sơn.
Suốt 16 năm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh ta đã vận chuyển được 1 triệu tấn vật chất, bảo đảm hành quân cho 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, góp phần cung ứng kịp thời nguồn nhân lực cần thiết cho các chiến trường.
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh đã chiến đấu trên 2.500 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 17.000 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch… góp phần đưa cách mạng miền Nam đánh bại từng chiến lược chiến tranh, thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thiếu tướng Phạm Bá Tòng - Anh Hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12, nhập ngũ năm 1965, tham gia chiến trường tuyến đường Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cho rằng không phải tự nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại, mà phải bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bộ đội Trường Sơn xây nên.
Con đường giúp bà con trên dải Trường Sơn cải thiện việc đi lại, giao thông, kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân được tốt hơn. Con đường Trường Sơn còn có ý nghĩa về kinh tế Quốc phòng sau này, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại ngày nay.
Bộ đội công binh đoàn 29 tham gia mở đường Trường Sơn (Ảnh tư liệu: TTXVN) |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh - nguyên cán bộ Hậu cần tỉnh Quảng Đức, nay là tỉnh ĐắK Nông bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ tìm hiểu và nhận thức hơn gian khổ của những người đi trước, đồng thời noi theo những tấm gương trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn công lao mà Đảng ta, Bác Hồ, nhân dân xây dựng.
Tại Hội thảo, ban tổ chức đã nhận được hơn 80 báo cáo tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.
Với cách tiếp cận khoa học, Hội thảo làm rõ tuyến vận tải chi viện chiến lược Đường Trường Sơn là thành công đặc biệt xuất sắc trong đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là ý chí thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, được biểu hiện sinh động bằng quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin