Ngày 30/5/2019, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến đóng góp về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu thảo luận tại hội trường |
Ngày 30/5/2019, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến đóng góp về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Cơ cấu trình độ lao động đang mất cấn đối
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, lao động, việc làm là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với thành công của việc cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, tuy nhiên thực tế hiện nay còn nhiều khó khăn nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
So với nhiều nước trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, một số lĩnh vực đào tạo chưa gắn kết nhu cầu thị trường, chưa theo kịp sự chuyển dịch của mô hình và cơ cấu kinh tế.
Về cơ cấu trình độ lao động trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện là 1 đại học, 1 cao đẳng, 1 công nhân kỹ thuật, cơ cấu này đang mất cân đối. Các nước Châu Âu hiện nay là 1 lao động đại học thì có 3 trình độ cao đẳng và 10 lao động công nhân kỹ thuật.
Ở các nước phát triển cơ cấu trình độ lao động là 1 đại học thì có 4 đến 6 trình độ cao đẳng và khoảng 15 đến 17 lao động công nhân kỹ thuật. Theo báo cáo về thị trường lao động quý II/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất (9.58%), khoảng trên 120 ngàn người.
Bất cập trên làm nảy sinh thực tế trong thời gian qua là một bộ phận cử nhân vì không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp nên đã giấu bằng cấp, xin đi làm công nhân; một bộ phận khác quay trở lại học nghề để tìm việc làm; sinh viên có bằng đại học, trên đại học lại đi học văn bằng 2 hệ trung cấp, cao đẳng nghề.
Kết quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT của cả nước hiện nay không mấy khả quan và còn xa so với mục tiêu của Quyết định số 522-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.
Từ thực tế trên, đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực phù hợp điều kiện Việt Nam trong bối cảnh hội nhập để giải quyết hiệu quả hơn nữa nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, nhằm thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa xã hội, sớm đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là đầu vào; kiến thức của giáo dục đại học trang bị cho sinh viên phải gắn với khả năng vận dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh cũng như đời sống xã hội.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và gửi sinh viên giỏi đưa đi đào tạo ở các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Song song đó, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương; xây dựng cơ chế chính sách thực hiện tốt công tác phân luồng gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT.
Chú trọng đến chính sách hỗ trợ các trường nghề nhận học sinh tốt nghiệp THCS và mức lương khởi điểm cho học viên tốt nghiệp để thực hiện phân luồng hiệu quả bên cạnh cơ chế chính sách về việc huy động nguồn lực của xã hội hoá.
Giáo dục ĐBSCL đang tụt hậu
Năm 2005, Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL” đã đánh giá những yếu kém trong giáo dục đào tạo của ĐBSCL và nhận định giáo dục ĐBSCL đã tụt hậu 5 năm so với mặt bằng chung của cả nước và ít nhất 10 năm so với vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Ngày 25/5/2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT tổ chức hội nghị “Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL” nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Qua hai lần hội nghị, sau 15 năm, bức tranh về giáo dục ĐBSCL một lần nữa được đánh giá toàn diện, vẫn còn là vùng trũng của giáo dục.
Đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… khu vực ĐBSCL. |
Từ thực tế trên, tôi đề nghị việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo Nghị quyết số 18, 19 của BCH Trung ương Đảng cần đặc biệt quan tâm đến đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên của khu vực ĐBSCL. Từ đó, có cơ chế phù hợp trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để huy động trẻ mẫu giáo đến trường và giảm tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học.
Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát, đánh giá mức độ đầu tư đối với vùng trong thời gian qua, đảm sự cân đối, hài hòa giữa các vùng trên cả nước; ưu tiên nguồn vốn từ Trung ương đầu tư cho hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Song song đó, có chính sách riêng về chế độ tiền lương và chính sách hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút và nâng cao chất lượng giáo viên nhất là các vùng có điều kiện đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có lộ trình đào tạo để tuyển dụng trên 11.600 giáo viên mầm non cho vùng. Từng bước giải quyết có hiệu quả và phù hợp tình trạng thừa- thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học, bậc học gắn với việc sắp xếp quy mô trường lớp và lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bài, ảnh: TÂM HUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin