Các cơ sở chăn nuôi cho rằng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi yêu cầu quá cao so với khả năng kỹ thuật và tài chính hiện nay ở Việt Nam.
Các cơ sở chăn nuôi cho rằng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi yêu cầu quá cao so với khả năng kỹ thuật và tài chính hiện nay ở Việt Nam.
Công tác vệ sinh chuồng trại được người dân thực hiện thường xuyên. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (quy chuẩn Việt Nam 62-MT:2016/BTNMT) nhằm để kiểm soát nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, nhưng các cơ sở chăn nuôi cho rằng quy chuẩn này yêu cầu quá cao so với khả năng kỹ thuật và tài chính hiện nay ở Việt Nam.
Đặc biệt là chưa có các quy chuẩn kỹ thuật để tạo điều kiện cho các chủ trang trại tái sử dụng nguồn tài nguyên từ nước thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ban hành quy chuẩn Việt Nam về tái sử dụng nước thải chăn nuôi cho cây trồng, nhằm tạo hành lang pháp lý và động lực kinh tế cho người dân đầu tư xử lý môi trường và phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Những bất cập trong quản lý
Tiến sỹ Nguyễn Thế Hinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc sử dụng nhiều nước trong chăn nuôi là nguyên nhân chính gây ra hiện trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay, do chất thải chăn nuôi bị hòa loãng nên rất khó thu gom, chỉ còn cách xả trực tiếp xuống nguồn nước hoặc gián tiếp thông qua các hầm biogas.
Trong chăn nuôi ở Việt Nam, chăn nuôi lợn thịt được coi là gây ô nhiễm nhiều nhất do người dân đang áp dụng công nghệ chăn nuôi khá lạc hậu vì sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh và làm mát lợn, trong khi hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều áp dụng các công nghệ chăn nuôi lợn sử dụng rất ít nước (chỉ chủ yếu là nước uống cho lợn, hầu như không sử dụng nước tắm và nước rửa chuồng).
Theo khảo sát của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp carbon thấp (LCASP), trung bình một ngày lượng nước thải ra môi trường do chăn nuôi một con lợn thịt vào khoảng 32 lít nước, với nồng độ khoảng 1% chất khô (bao gồm 2 lít nước tiểu, 20 lít nước để làm mát và 10 lít nước để vệ sinh chuồng trại, hòa lẫn với khoảng 2kg phân). Như vậy, hàng năm với khoảng 26 triệu con lợn thịt (chỉ riêng chăn nuôi lợn thịt) đã thải ra môi trường khoảng gần 300 triệu m3 nước thải. Nguồn nước thải chăn nuôi này đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở rất nhiều vùng nông thôn, ảnh hưởng đến đời sống dân cư và gây mâu thuẫn trong cộng đồng.
Mặc dù các chỉ tiêu trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được cho là khá cao so với điều kiện kỹ thuật và tài chính của các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam, nhưng những chỉ tiêu này cũng đã tiệm cận với các tiêu chuẩn quản lý chất thải chăn nuôi của các nước phát triển nhằm bảo vệ môi trường chung của cộng đồng.
Kết quả nghiên cứu của Dự án LCASP trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ khí sinh học như là công nghệ chính để xử lý nước thải chăn nuôi. Nhưng việc đầu tư các hầm biogas phủ bạt HDPE dung tích lớn với hệ thống các hồ lắng, hồ lọc, hồ sinh học gây tốn kém hàng trăm triệu đồng chi phí đầu tư và hàng ngàn mét vuông đất cũng không thể giúp các chủ trang trại đáp ứng các chỉ tiêu của quy chuẩn Việt Nam 62.
Theo công bố của Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (TH True Milk), chi phí xử lý nước thải chăn nuôi để đạt tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam 62 là khoảng 11.000 đồng/m3 chưa kể các chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu. Đây là một khoản chi phí khá lớn cho người sản xuất nếu chỉ để xử lý môi trường chăn nuôi mà không đem lại lợi ích kinh tế. Mặt khác, nếu xử lý nước thải chăn nuôi để sử dụng cho tưới tiêu thì chưa có các quy chuẩn kỹ thuật. Điều này dẫn đến các chủ trang trại thường hay bị xử phạt do nhiều đoàn kiểm tra môi trường áp dụng quy chuẩn Việt Nam 62 cho cả nước thải chăn nuôi sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Thực trạng này đã được phản ảnh trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực thi chính sách pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội số 855/BC-UBKHCNMT14 ngày 18/6/2018.
Ông Ngô Tiến Dũng, Công ty TH True Milk, cho biết công ty đang rất muốn xử lý nước thải chăn nuôi làm nguồn nước dinh dưỡng để tưới cỏ làm thức ăn cho bò, nhưng nếu phải xử lý để đáp ứng các tiêu chuẩn của quy chuẩn Việt Nam 62 thì nước sau xử lý sẽ không còn giá trị phân bón nữa.
Còn ông Nguyễn Văn Thi, một chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nhận xét từ trước đến nay ông vẫn dùng nước thải sau biogas để tưới cho 8ha cây keo vừa giúp cây sinh trưởng tốt mà không gây ô nhiễm cho môi trường. Song việc phải đầu tư một cơ sở lọc nước khoảng 500 triệu đồng để lọc nước thải trước khi được phép tưới cho cây keo sẽ rất tốn kém, nhưng vẫn phải làm để được phép chăn nuôi.
Theo đó, người chăn nuôi muốn xả thải ra môi trường chung của cộng đồng thì cần phải tuân thủ theo các quy chuẩn quy chuẩn Việt Nam 62 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy vậy, nếu người chăn nuôi muốn tái sử dụng nguồn nước thải chăn nuôi này cho trồng trọt phải lọc nước thật sạch theo quy chuẩn Việt Nam 62 thì sẽ gây tốn kém không cần thiết, làm mất giá trị phân bón của nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi quý giá.
Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là nguồn nước thải chăn nuôi giàu dinh dưỡng cho cây trồng đang phải xử lý rất tốn kém để xả xuống nguồn nước mặt, trong khi đó người dân phải mua phân bón hóa học với chi phí cao để bón cho cây trồng. Nguồn tài nguyên nước thải chăn nuôi không được sử dụng để giúp thay thế cho hàng triệu tấn phân bón hóa học nhập khẩu đang góp phần làm cho môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm hơn. Riêng năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 4,2 triệu tấn phân bón hóa học trị giá 1,25 tỷ USD.
Từ những phân tích trên, tiến sỹ Nguyễn Thế Hinh khẳng định nguyên nhân chính gây nên những bất cập trong quản lý môi trường chăn nuôi là thiếu các quy chuẩn để người dân có thể tái sử dụng nước thải chăn nuôi cho cây trồng. Các quy chuẩn này sẽ giúp cho những người chăn nuôi có thể xử lý nguồn nước thải này để làm nước tưới hay phân bón trong khuôn viên các trang trại trồng trọt, mà không sợ bị vi phạm các quy chuẩn về xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới cho cây trồng, coi đây như là nguồn nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất nông nghiệp. Nước thải chăn nuôi bao gồm phân, nước tiểu và nước rửa chuồng, làm mát gia súc. Hàm lượng chất hữu cơ trong nước thải chăn nuôi thường rất cao và trong đó thường có nhiều mầm bệnh và trứng giun sán có thể gây bệnh cho con người và vật nuôi. Ngoài ra, còn gây mùi hôi thối khó chịu và là môi trường thuận lợi cho các loại ruồi muỗi phát triển, là nguồn gây ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật nếu không được xử lý tốt nhằm diệt hết mầm bệnh trong nước thải và chuyển hóa chất hữu cơ thành khoáng chất giúp cho cây trồng có thể hấp thụ.
Hiện có ba biện pháp chính để xử lý nước thải chăn nuôi như xử lý yếm khí bằng công nghệ khí sinh học; Xử lý hiếu khí bằng phương pháp thổi không khí vào nước thải; sử dụng các vi sinh vật có ích nhằm thúc đẩy quá trình khoáng hóa chất hữu cơ. Các biện pháp xử lý này đều có chi phí không cao nhưng đòi hỏi phải có thời gian để chất hữu cơ trong nước thải chăn nuôi chuyển hóa thành khoáng chất giúp cây trồng có thể hấp thụ. Thực tế nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hầm khí sinh học (biện pháp xử lý nước thải chăn nuôi đang rất phổ biến ở Việt Nam) đều sạch hết mầm bệnh, trứng giun sán và có thể sử dụng tưới cho cây trồng.
Một số nghiên cứu về hàm lượng các chất dinh dưỡng của nước xả sau biogas cũng cho thấy, hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, không thua kém nhiều phân bón hữu cơ. Cụ thể, nước xả sau biogas có hàm lượng chất khô dưới 1% ở Việt Nam có hàm lượng nitơ tổng số là 0,7 kg/m3, P2O5 là 0,24 kg/m3, K2O là 1,22 kg/m3 (Cục Chăn nuôi - SNV, 2011). Tuy nhiên, đối với mỗi loại cây trồng khác nhau cần phải có nồng độ tưới, tần suất tưới và khối lượng mỗi lần tưới phù hợp nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra các khuyến cáo cụ thể về quy trình sử dụng nước thải sau biogas tưới cho các loại cây trồng khác nhau giúp tăng năng suất cây trồng và giảm sử dụng phân bón hóa học.
Sự đòi hỏi ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về đầu vào của vật tư nông nghiệp. Do vậy, việc sử dụng nguồn nước thải chăn nuôi đã được xử lý để tưới (bón) cho cây trồng cũng cần phải có các tiêu chuẩn nhất định, không chỉ nhằm mục đích đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng nông sản, mà còn nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phòng chống lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi.
Quy chuẩn Việt Nam về tái sử dụng nước thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt cần có những ngưỡng chỉ tiêu cụ thể về các chất hóa học (kim loại nặng, độc tố,…), vi sinh vật, mầm bệnh,... và các điều kiện sử dụng (đối với cây lương thực, cây lâm nghiệp, cây thức ăn gia súc, sử dụng trên đất cát, đất thịt, mực nước ngầm của khu vực…).
Từ những phân tích một cách khoa học nêu trên, tiến sỹ Nguyễn Thế Hinh kiến nghị Luật Chăn nuôi ban hành năm 2018 đã quy định cụ thể tại mục 3, điều 59 về xử lý nước thải chăn nuôi, nhưng việc xử lý để tái sử dụng cho cây trồng trong khuôn viên các trang trại chăn nuôi và trồng trọt cần thiết phải có sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơ quan chuyên ngành về quản lý sản xuất nông nghiệp để hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất của cả ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Ngoài tuân thủ theo Quy chuẩn quy chuẩn Việt Nam 62 và các quy chuẩn Việt Nam có liên quan khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật để tạo hành lang pháp lý cho các chủ trang trại xử lý nước thải chăn nuôi để tưới cho các diện tích trồng trọt trong khuôn viên các trang trại.
Quan điểm này phù hợp với các quy định trong Luật Chăn nuôi mới ban hành năm 2018 và thực tế nhu cầu của sản xuất của Việt Nam. Sự phối hợp đồng bộ của cả Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có các công cụ quản lý nhà nước phù hợp trong lĩnh vực này, sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường bền vững cho cả ngành chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân./.
Theo Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin