Nắng nóng kéo dài, trẻ mắc bệnh tăng

04:04, 25/04/2019

Nắng nóng kéo dài gay gắt, độ ẩm cao nhiều ngày qua gây ảnh hưởng sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trong đó, số trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp tăng cao.  

 

 

Trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện đa khoa Triều An- Loan Trâm.
Trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện đa khoa Triều An- Loan Trâm.

Nắng nóng kéo dài gay gắt, độ ẩm cao nhiều ngày qua gây ảnh hưởng sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trong đó, số trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp tăng cao.  

Theo ThS.BS Huy Thanh- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, chỉ tính trong quý I/2019 có gần 100.000 lượt trẻ đến khám các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, tương đương trên 1.100 ca/ngày.

Trong số đó, chủ yếu là các bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp, chiếm tỷ lệ 95%. Nguyên nhân của tình trạng này là do các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc… gây bệnh thường phát triển mạnh mẽ hơn trong điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao.

Tại Vĩnh Long, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi. Chỉ tính riêng Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, số bệnh nhi nhập viện điều trị tăng khoảng 40% so với trước.

Trong đó, phần lớn trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp. BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế Vĩnh Long cho biết: “Khoảng 2 tuần nay bệnh nhi rất đông, kể cả ngoại trú lẫn nội trú. Lượng bệnh nhập viện có đủ các loại bệnh nhưng tập trung chủ yếu vào tiêu chảy cấp, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm hô hấp”.

Theo ngành y tế, nắng nóng khiến các loại vi khuẩn, nấm mốc và vi rút gây bệnh thường phát triển mạnh, thức ăn cũng dễ bị ôi thiu và nhiễm khuẩn nên lượng bệnh tiêu chảy rất nhiều và bệnh diễn tiến rất nhanh.

Có những trường hợp mới phát bệnh đã có tình trạng sốt cao, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần phải điều trị tích cực để hạn chế biến chứng. Theo BS Trần Thị Tuyết Mai, trẻ bị tiêu chảy nhiều lần nếu không xử lý và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng mất nước hoặc nhiễm trùng huyết, làm cho bệnh diễn tiến nặng. Đối với bệnh hô hấp cũng vậy, rất dễ diến tiến sang những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm phổi suy hô hấp.

Tại Bệnh viện đa khoa Triều An- Loan Trâm, bé Lưu Gia Quý (20 tháng, Tiền Giang) nằm viện để điều trị bệnh viêm phổi.

Chị Võ Thị Út- mẹ bé cho biết: “Vừa bước vào đợt nắng nóng thì bé bị ho, sốt 3 ngày ở nhà không thấy đỡ, vợ chồng tui vội đưa bé sang đây khám, xét nghiệm thì biết con bị viêm phổi. Hôm nay khỏe nhiều rồi!”. Còn bé Đinh Hoàng Thái (12 tháng, huyện Cái Bè- Tiền Giang) cũng nằm viện điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Bà nội bé cho biết: “Cháu ói, đi phân lỏng 6-7 lần, tui hoảng quá ẵm cháu đi bệnh viện liền”.

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6- 36 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn non yếu, không đủ sức chống lại các tác nhân gây bệnh, sẽ gặp rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp. Vì thế ngoài bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng, phụ huynh cũng cần quan tâm nhiều đến việc chăm sóc trẻ trong thời điểm nắng nóng này.

Theo TS.BS Lê Hoàng Sơn- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Triều An- Loan Trâm, việc chăm sóc ở gia đình rất quan trọng. Phụ huynh cần cho trẻ bú đủ, uống đủ nước vì mùa nóng tiết mồ hôi nhiều nên cần phải bù lượng nước mất. Phòng ngủ cần thoáng mát dễ ngủ, vì ngủ không được cũng bệnh, tốt nhất là máy lạnh 27 độ, không nên quạt trực tiếp vào bé suốt đêm.

Khi đi từ ngoài vào phòng máy lạnh phải giữ ấm thời gian đầu. Trẻ đổ mồ hôi nhiều, đừng cho trẻ tắm ngay vì khi đó sẽ tác động đến cơ thể bé và dễ đưa đến tình trạng rối loạn niêm mạc mũi; dẫn đến hiện tượng nhảy mũi. Nhiễm khuẩn từ bên ngoài vào dễ đưa đến tình trạng viêm đường hô hấp nhiều hơn mà cụ thể là viêm phổi.

Theo dự báo, nắng nóng sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, để bảo vệ sức khỏe trẻ, các bậc  phụ huynh cần quan tâm bổ sung đủ lượng nước cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân và đảm bảo vệ sinh an toàn thực cho trẻ, hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột ở trẻ và đưa trẻ tiêm ngừa các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh.

Theo BS CK2 Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, mùa nắng nóng trẻ sẽ biếng ăn hơn cũng như người lớn nóng nực chỉ muốn ăn cái gì đó có nước và mát miệng.

- Bảo đảm bé ngủ ngon đủ giấc thì ăn cũng dễ hơn.

- Chia thành nhiều bữa, làm thức ăn loãng chút, trẻ lớn thì ăn có canh, có rau xanh, trẻ còn bú thì bú nhiều cữ, làm sữa mát chút cho bú.

- Lau mặt, lau mình, mặc đồ thoáng, tìm nơi thoáng mát cho trẻ ăn.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh