Dân đồng lòng, giao thông thuận lợi

10:04, 03/04/2019

Với sự đồng thuận của người dân trong tham gia phong trào "4 hiến" (hiến đất, hiến của, hiến kế, hiến công) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà nhiều công trình hạ tầng tại xã Tân Phú (Tam Bình) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh và góp phần đưa xã về đích NTM theo lộ trình đề ra.

Với sự đồng thuận của người dân trong tham gia phong trào “4 hiến” (hiến đất, hiến của, hiến kế, hiến công) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà nhiều công trình hạ tầng tại xã Tân Phú (Tam Bình) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh và góp phần đưa xã về đích NTM theo lộ trình đề ra.

Bộ mặt nông thôn xã Tân Phú đang ngày càng hoàn thiện.
Bộ mặt nông thôn xã Tân Phú đang ngày càng hoàn thiện.

Cùng nhau hiến đất xây đường

Những ngày này, trở về xã Tân Phú (Tam Bình), chúng tôi cảm nhận nơi đây đã thật sự “thay da đổi thịt” với những ngôi trường mới khang trang, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, điện, nước sạch được kéo về nông thôn, phục vụ tốt cho nhu cầu đời sống dân sinh.

Cùng với đó là những tuyến đường rộng lớn được đầu tư xây dựng và điểm tô bởi những bông hoa khoe sắc, những hàng rào cây kiểng, cùng với đó là đèn đường thắp sáng trưng về đêm, tạo nên diện mạo đổi mới trên quê hương Tân Phú.

“Bây giờ giao thông vô cùng thuận lợi, đường liên xã nối liền tận huyện, ấp liền ấp, xóm liền xóm, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa thật dễ dàng”- ông Đặng Văn Bằng (ấp Phú Thọ) mở đầu câu chuyện như thế.

Từ chỗ còn nhiều hoài nghi, nhưng khi hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM mang lại, ông Bằng chủ động hiến gần 110m2 đất để cùng Nhà nước thực hiện tuyến đường Miễu Đôi. Không những vậy, ông còn vận động anh em, bà con hàng xóm cùng tham gia hiến đất để sớm hoàn thành tuyến đường.

Sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành đã đưa xã Tân Phú về đích nông thôn mới.
Sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành đã đưa xã Tân Phú về đích nông thôn mới.

Khi Nhà nước đầu tư thi công tuyến đường Phú Thành- Phú Yên (dài 1.600m), ông Phạm Văn Thậm (ấp Phú Thành) đã hiến khoảng 1.000m2 và vận động bà con cùng hiến đất xây đường.

Với tài thuyết phục khéo léo, ông được đề cử làm Ban vận động xây dựng đường giao thông nông thôn.

Theo ông Thậm, con lộ này trước đây là đường đất, bề ngang chỉ hơn 1m, trời mưa thì lầy lội, đi lại rất khó khăn, nên đa số bà con đều mong chờ con lộ được nâng cấp, mở rộng, duy chỉ có vài hộ lúc đầu còn chưa đồng tình do mất quá nhiều đất. Do vậy, khi vận động phải có lý, có tình.

“Chủ yếu là để bà con thấu hiểu việc mở đường là để có đường đi chung, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, vận chuyển hàng hóa. Khi thấy được ý nghĩa và những lợi ích mang lại từ chương trình thì dần dần bà con sẽ gật đầu”- ông Thậm nói.

Tuyến đường liên ấp Phú Yên- Phú Long (dài 4.600m) được hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng là cả quá trình nỗ lực của địa phương và nhiều hộ dân trong công tác vận động, tuyên truyền.

Với mong muốn con đường sớm được hoàn thành, công trình đã được điều chỉnh thiết kế, từ 1 người không bị ảnh hưởng bởi công trình nhưng ông Phạm Hoàng Khởi (ấp Phú Yên) vẫn đồng ý hiến trên 2 công đất trồng hoa màu và cây ăn trái để công trình được sớm thi công.

“Trong đó có những cây dừa đã gắn bó với gia đình từ thời giải phóng đến nay, nhưng vì lợi ích chung của địa phương, tui đã đồng ý đốn bỏ vườn dừa để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công”- ông Khởi kể.

Lấy sức dân để lo cho dân

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường giao thông đã được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường giao thông đã được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Xây dựng NTM là chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực, đời sống của người dân.

Vì vậy “trước hết là làm công tác tuyên truyền trong và ngoài quần chúng để tạo sự thống nhất cao trong hành động”- đồng chí Lê Văn Sáu- Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã- nhận định.

Đến nay, hệ thống thủy lợi của xã Tân Phú đáp ứng tưới tiêu 100% diện tích đất sản xuất, các đập chính từng bước được kiên cố hóa. Bên cạnh, xã còn được đầu tư, nâng cấp tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn dài 7,6km, mặt đường rộng 2m và hiện đang được tiến hành thi công.

Để có sự đổi thay trên quê hương Tân Phú, xã đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp.

Đặc biệt là “thực hiện tốt phương châm lấy sức dân để lo cho dân, mọi chủ trương đều tổ chức lấy ý kiến dân, thực hiện tốt việc công khai minh bạch”- đồng chí Lê Văn Sáu cho biết và thông tin thêm- Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM 276,7 tỷ đồng, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã còn huy động Mạnh thường quân hỗ trợ 9,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3,8 tỷ đồng, hiến 13ha đất cùng nhiều cây cối, hoa màu trên đất và hàng ngàn ngày công lao động.

Chính nhờ sự đồng lòng của người dân mà đến nay, hệ thống đường giao thông được đấu nối từ đường liên xã, liên ấp với đường tỉnh. Trong đó, đường liên ấp dài 7,2km, đường liên xóm 13.000m đều đã được đổ đá, đan hóa hoặc nhựa hóa phục vụ tốt cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Đồng chí Trần Văn Dũng- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và đô thị văn minh huyện- cho rằng: Việc phấn đấu đạt chuẩn NTM là đã khó, nhưng để giữ vững càng khó khăn hơn.

Do vậy, xã cần thường xuyên đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nội bộ và toàn thể nhân dân; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; cần vận dụng tổ chức một cách linh hoạt, sáng tạo, khơi dậy sức mạnh tập thể và cộng đồng dân cư để nhân dân thực sự là chủ thể trong phong trào xây dựng NTM.

Hiện, thu nhập bình quân đầu người tại xã Tân Phú đạt 41,47 triệu đồng/năm. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả. Đến nay, 100% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, xã có 1 làng nghề đan lục bình. Các ấp đều có tổ đan lục bình để giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn. Xã có hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và có mô hình bao tiêu sản phẩm lúa.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh