Sau một năm từ khi phản ánh chuyện bụi bẩn gây ra từ nhà máy sấy và xay xát lúa Thành Tiền (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) thì đầu năm 2019, bà con tiếp tục "kêu cứu" vì "cảnh cũ tái diễn".
[links()]
Sau một năm từ khi phản ánh chuyện bụi bẩn gây ra từ nhà máy sấy và xay xát lúa Thành Tiền (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) thì đầu năm 2019, bà con tiếp tục “kêu cứu” vì “cảnh cũ tái diễn”.
Tuy nhà đóng kín các cửa nhưng sau một ngày, người dân quét được đống tro, bụi như thế này. Ảnh: Người dân cung cấp |
Như báo Vĩnh Long đã đưa, theo phản ánh của 19 hộ dân tại Ấp 6 (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), tình trạng sống chung với bụi đã xuất hiện từ rất lâu, đặc biệt từ năm 2017 tình hình ngày càng trầm trọng khi nhà máy triển khai đưa lò sấy dạng tháp với công suất lớn hơn đi vào hoạt động.
Vườn cây không đậu trái, nhà cửa luôn đóng kín, cuộc sống đảo lộn,… Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều lần người dân đã cầu cứu với địa phương và ngành chức năng. Qua các buổi làm việc, chủ nhà máy có cam kết và thực hiện khắc phục nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Cụ thể, sau khi phản ánh của bà con, ngày 28/3/2018, chính quyền xã Xuân Hiệp có buổi đối thoại trực tiếp giữa các hộ dân và chủ nhà máy sấy lúa và xay xát lúa Thành Tiền là bà Đặng Thị Diện.
Tại đây, bà Đặng Thị Diện đã cam kết trong thời gian 10 ngày sẽ khắc phục nhưng sau 10 ngày tình trạng bụi bẩn vẫn không được khắc phục. Ngày 16/4/2018, các hộ dân gửi đơn yêu cầu giải quyết.
Sau khi làm việc với đoàn kiểm tra, chủ nhà máy tiếp tục cam kết “đến hết ngày 27/4/2018 sẽ xử lý triệt để bụi, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.
Từ tháng 6 đến tháng 11/2018, bà con cho biết tình trạng bụi đã giảm hẳn. Theo bà con ở đây, khoảng thời gian này do không có gió về phía hộ dân chứ không phải là hết, thỉnh thoảng có cơn gió mạnh thì cũng còn bụi.
Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, khi gió chướng trở lại thổi từ hướng nhà máy qua thì bà con tại đây lại “sống chung với bụi” và 19 hộ dân buộc phải tiếp tục ký vào đơn yêu cầu xử lý.
Mới đây (14/3/2019), tại UBND xã Xuân Hiệp, ngành chức năng lại tổ chức đối thoại với người dân và chủ nhà máy để giải quyết.
Có mặt tại buổi đối thoại, chúng tôi chứng kiến rất nhiều bà con tỏ ra rất bức xúc về việc nhà máy hoạt động có nhiều bụi bẩn bay ra môi trường, không chỉ gây thiệt hại nặng về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người già, người bệnh.
Nhiều người “giận ra mặt” với tình trạng ô nhiễm, một số tỏ vẻ chán nản vì sau 1 năm vẫn chưa giải quyết triệt để và cũng không ít người đứng lên phát biểu nhưng khóc nghẹn, nói không nên lời. Tất cả họ chỉ mong muốn một điều: “Hãy trả lại không khí trong sạch cho chúng tôi”.
Về phía chủ nhà máy, bà Đặng Thị Diện cho biết từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh của bà con, nhà máy đã thực hiện một số biện pháp để khắc phục, giảm tình trạng bụi.
Theo lời bà Diện, bà cũng đang nhờ đơn vị tư nhân tư vấn để khắc phục. Nhưng bà cũng thừa nhận việc khắc phục những chỗ hỏng tại lò sấy là chưa hoàn thành, trong khi nhà máy vẫn không ngừng hoạt động.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Tam Bình- chỉ rõ điểm quan trọng để giải quyết vấn đề là chủ nhà máy dù có khắc phục nhưng chưa đúng chỗ.
Ông đề nghị chủ nhà máy kết hợp với đơn vị tư vấn xác định rõ nhà máy phát sinh gây ô nhiễm ở đâu để khắc phục cho đạt hiệu quả.
Sau một buổi làm việc, các hộ dân đồng ý cho chủ nhà máy 3 ngày hoạt động hết số lúa (300 tấn) đã hợp đồng. Sau 3 ngày sẽ tạm ngưng và sửa chữa, khắc phục.
Đồng thời khi hoạt động trở lại phải báo với ngành chức năng, chính quyền địa phương để họ giám sát, không gây ra tình trạng ô nhiễm tro bụi từ phía nhà máy.
Ông Cao Văn Diễn- Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Trà Ôn- yêu cầu chủ nhà máy thực hiện đúng cam kết với người dân.
Đồng thời cho biết sẽ tăng cường giám sát hoạt động của nhà máy. Nếu chủ nhà máy còn để xảy ra ô nhiễm, ảnh hưởng cho bà con sống xung quanh khu vực thì sẽ không đối thoại mà tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau buổi làm việc, nhiều người cho rằng, quá nhiều lần hứa mà chưa khắc phục được, nếu ngành chức năng và địa phương không có biện pháp mạnh hơn thì “chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đơn lên cấp cao hơn xem xét”.
“Chúng tôi không yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng không muốn “cắt” con đường sống của chủ nhà máy nhưng nếu hoạt động phải đảm bảo không xảy ra tình trạng tro bụi”.
Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn, giải quyết rốt ráo hơn vấn đề này. Bởi, không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, mà còn tạo lòng tin giữa người dân với địa phương và các ngành chức năng.
Báo Vĩnh Long sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin vụ việc.
Bài, ảnh: THẾ QUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin