Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng diễn ra liên tục mấy ngày qua khiến cuộc sống của người dân có phần đảo lộn. Đô thị vốn chật chội càng thêm oi bức bởi cái nắng gay gắt, nhiều người phải trùm kín mít mỗi khi ra đường.
Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng diễn ra liên tục mấy ngày qua khiến cuộc sống của người dân có phần đảo lộn. Đô thị vốn chật chội càng thêm oi bức bởi cái nắng gay gắt, nhiều người phải trùm kín mít mỗi khi ra đường.
Mọi người cần che chắn cẩn thận khi ra đường từ 10-16 giờ. |
Oi bức vì nắng nóng
Theo Phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ cao nhất tại TP Hồ Chí Minh lên đến 37 độ C trong ngày 28/3. Nắng nóng kèm theo tia cực tím (UV) đạt mức 12 (mức cao nhất theo thang của Tổ chức Y tế thế giới là 11+) khiến nhiều người dân lo ngại về vấn đề sức khỏe.
Tình trạng nắng nóng này kéo dài đến cuối tháng, sau đó nhiệt độ giảm xuống từ 1-2 ngày, chỉ còn nắng nóng cục bộ ở một số nơi. Từ đầu tháng 4 trở đi, Nam Bộ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt nắng nóng mới.
Nhiều ngày qua, từ khoảng 9 giờ sáng trời đã nắng gắt, đến trưa thời tiết trở nên nóng bức và ít gió. Nhiều người dân khi ra đường phải che chắn kín mít với khẩu trang và kính râm.
Chị Nguyễn Huy Thùy (Phóng viên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) cho biết: “Dù rất kỹ trong che chắn áo chống nắng, bao tay, khẩu trang, kem chống nắng,… vậy mà hổm rày đi công tác nắng nóng rát cả mặt. Trưa về cơ quan, nắng nóng chị bị say nắng, nhức đầu ong ong luôn đó. Chị mới đặt trên mạng sét áo, váy, khẩu trang có khả năng bảo vệ tia UV luôn”.
Nắng nóng, người dân hạn chế ra đường làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận người dân. Cô Nguyễn Thị Chín (bán vé số dạo) than: “Mấy hôm nay nắng quá nên tranh thủ đi bán từ sáng sớm, đến chừng 10 giờ về nghỉ, đợi đến chiều mát mới đi bán tiếp. Lớn tuổi rồi, đi ngoài trời nắng như thế này sợ chịu không nổi, nếu xỉu giữa đường thì khổ lắm”.
Còn Chị Trần Ngọc Mai (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho biết: “Hổm rày nắng nóng, oi bức khiến chị bị say nắng, cơ thể uể oải, mệt mỏi, khó chịu, đầu thì nhức buốt. Có việc cần thiết chị mới đi ra ngoài buổi trưa, chứ không thì làm việc trong phòng không hà”.
Để hạ bớt cơn nắng, hầu như nơi nào có máy lạnh là nơi đó hút người, như quán trà sữa, cà phê, siêu thị,… Anh Võ Thành Trung (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Nghỉ trưa, tôi thường ra quán cà phê có máy lạnh rồi chiều làm tiếp, chứ về phòng trọ thì nóng không chịu nổi”.
Trong khi thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt thì đối với những người kinh doanh mặt hàng nước giải khát, trang phục tránh nắng thì đây lại là thời điểm “ăn nên làm ra”.
Quan sát tại nhiều tuyến đường trung tâm TP Vĩnh Long, nhiều xe nước mía, nước ép trái cây, dừa tươi,… được bày bán ven đường để phục vụ nhu cầu giải khát của người dân. Một người bán cam ép trên đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết, trung bình tiêu thụ không dưới 150kg cam mỗi ngày.
“Thời tiết nắng nóng nên sức mua tăng hơn nhiều, giá cũng hợp lý, mỗi ly chỉ 10.000đ nên vừa túi tiền nhiều người”.
Giữ sức khỏe mùa nóng
Các tổ chức y tế công cộng khuyến cáo việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, lão hóa da, ức chế miễn dịch và ung thư da.
Do đó, người dân tự bảo vệ mình bằng tất cả các biện pháp phòng ngừa bao gồm: thoa kem chống nắng, đeo kính mát, mặc quần áo dài tay che kín toàn thân, đội nón rộng vành, hạn chế ra đường vào khung giờ có bức xạ tia cực tím cao (từ 10-16 giờ mỗi ngày) nếu không có việc cần thiết.
Nếu có điều kiện nên uống viên chống nắng có tác dụng bảo vệ từ bên trong với thời gian lâu hơn. Uống trước khi đi nắng khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ, lặp lại sau mỗi 6 tiếng. Thường dùng vào buổi sáng hoặc trưa. Riêng trẻ em cần được chú ý bảo vệ phòng chống tác hại của tia UV hơn người trưởng thành để hạn chế tích lũy lâu dài các nguy cơ phơi nhiễm UV trong mùa nắng.
Nắng nóng sẽ dẫn đến các bệnh do nhiệt gồm: phù, phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức, sốc nhiệt (đột quỵ). Trong thời tiết nóng bức hay thời điểm giao mùa, chúng ta phải lưu ý thêm các bệnh về đường hô hấp.
Nước cam ép, bưởi ép, nước mía, dừa tươi,… hút hàng mùa nắng. |
Theo bác sĩ Bùi Thanh Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, để phòng tránh những bệnh viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi hay các bệnh lý về tim mạch,… mọi người lưu ý uống nhiều nước để bù mất nước. Các bệnh lý về tim mạch nên đến bác sĩ khám và tư vấn để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Khi làm việc ngoài trời nắng dùng khăn mát để lau cơ thể cho hạ nhiệt, phòng say nắng.
Những bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng hiện nay thường liên quan đến khâu vệ sinh. Vì thế, việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm là những việc hết sức quan trọng mà mọi người cần quan tâm thực hiện để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Ngoài ra, uống đủ nước, ăn nhiều trái cây để tăng sức đề kháng; hạn chế thức ăn đường phố và không ăn thức ăn chế biến sẵn để quá 4 giờ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, chỉ số tia cực tím ở mức từ 8 đến 10 là ở mức rất cao, với mức UV này nếu bị nắng chiếu trực tiếp khoảng 25 phút, làn da của cơ thể người sẽ bị bỏng. Nếu chỉ số UV là 11+ (quá cao) trong khoảng 10 phút bị nắng chiếu trực tiếp da sẽ bị bỏng. |
Bài, ảnh: QUYÊN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin