Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm: Phát hiện cần báo ngay tránh giấu dịch

10:03, 03/03/2019

Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng đang quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, người dân khi phát hiện ra biểu hiện bất thường trên đàn lợn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý, tránh tình trạng giấu dịch.

 

 

Phun hóa chất phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: KH.V
Phun hóa chất phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: KH.V

Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng đang quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, người dân khi phát hiện ra biểu hiện bất thường trên đàn lợn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý, tránh tình trạng giấu dịch.

Ngày 3/3, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Đình Đảng – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho hay: “Mới đây, tại Hà Nội có phát hiện 1 hộ có lợn bị xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Long Biên. Các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành các biện pháp xử lý, tiến hành tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Ông Đảng cũng cho biết, hiện các đơn vị liên quan cũng thực hiện việc tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng các loại bệnh. Việc này nhằm ngăn ngừa và đảm bảo tránh việc lây lan dịch bệnh tại khu vực.

Theo Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội, cùng với những biện pháp phòng ngừa cũng cần phải thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và xử lý môi trường tránh để chuyện người dân vứt xác lợn bị bệnh dịch ra môi trường, sông ngòi.

Đồng thời, các đơn vị cũng phải động viên bà con tại các vùng chăn nuôi liên quan đến việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm. Tránh trường hợp giấu dịch, trong trường hợp có phát hiện bất thường cần báo ngay về các cơ quan chức năng.

5 Không để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 KHÔNG” theo đúng quy định của Luật thú y: 1/ Không giấu dịch; 2/ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 3/ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; 4/ Không vứt lợn chết ra môi trường; 5/ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Hiện Chi Cục Thú y Hà Nội đang tiếp tục theo dõi, giám sát tại các khu vực khác theo công điện khẩn về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin từ ngày 22-27/2/2019, sau khi xét nghiệm tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên, kết quả cho thấy: Toàn bộ 25 con lợn rừng được nuôi tại đây dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), ngay sau khi bắt đầu có dấu hiệu nghi vấn, khu chăn nuôi đã bị phong tỏa, cách ly, 100% con lợn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) đã bị xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn theo quy định.

Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, ngoài việc phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, Chi cục Thú y Hà Nội và chính quyền địa phương đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lấy mẫu lợn của các hộ xung quanh xét nghiệm tìm ASFV. Rất may, các mẫu xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính. Đến nay, không có phát sinh lợn bệnh tại địa phương này.

Thái Bình tiêu hủy trên 600 con lợn

Ngày 3/3, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, sau xã Đông Đô (Hưng Hà), Lô Giang (Đông Hưng), đến nay dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát tại các xã Tây Đô, Duyên Hà (Hưng Hà), Dục An, Đông Hải (Quỳnh Phụ). Toàn tỉnh Thái Bình đã tiêu hủy trên 613 con lợn các loại, của hơn 54 hộ chăn nuôi ở ở 19 thôn, 6 xã thuộc 3 huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ với tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là hơn 37.245 kg.

Theo VƯƠNG TRẦN/LĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh