Chuyện học ở xóm nghèo

05:03, 06/03/2019

Hồi xưa, cái xóm mút trong kiệt cùng Xẻo Lá này nổi tiếng là… nghèo, đường vô đây là con lộ đất hẹp té, nên con rạch là đường vận chuyển duy nhất mỗi khi thu hoạch lúa thóc, hoa màu. 

Hồi xưa, cái xóm mút trong kiệt cùng Xẻo Lá này nổi tiếng là… nghèo, đường vô đây là con lộ đất hẹp té, nên con rạch là đường vận chuyển duy nhất mỗi khi thu hoạch lúa thóc, hoa màu. 

Đặc biệt, trong xóm đa phần là bà con đồng bào Khmer, đất đai mỗi gia đình cũng tầm vài công đổ lại.

Người trồng lúa, người trồng dừa, trồng rẫy các loại. Miếng ăn lo còn vất vả nên hồi xưa cha mẹ chẳng ai quan tâm chuyện học cho con cái. Do đó, cái nghèo nối tiếp nhau cứ đeo đẳng không dứt.

Bắt đầu từ hơn 10 năm trước, ở đây thành lập một Hội Khuyến học do một thầy giáo già đã về hưu khởi xướng.

Ngày ngày, người ta thấy ông thầy già đạp xe đi khắp nơi, đến từng gia đình, có khi ra tận ngoài đồng ngồi trò chuyện với từng người dân. Câu chuyện của thầy xoay quanh chuyện học hành, tương lai của lớp trẻ.

Dần dần, các em đến trường đông hơn, chuyện bỏ học ngày càng được khắc phục, rồi cả xóm, cùng với các xóm lân cận hình thành phong trào cạnh tranh nhau trong chuyện học hành và nhiều tấm gương học giỏi được bà con truyền miệng nhau, làm niềm vui, niềm tự hào của gia đình, của thôn xóm.

Bắt đầu từ một cậu học trò người Khmer đầu tiên trong xóm đậu vào trường y, được coi như một kỳ tích ở xóm nghèo Xẻo Lá này.

Và đây cũng trở thành động lực để mọi người đều hướng đến sự học hành tới nơi, tới chốn của con cái. Có những câu chuyện rất cảm động về tình nghĩa xóm giềng trong việc nuôi con ăn học; đó là chuyện “cho vay vần công”.

Khi một gia đình có con đi học ĐH sẽ được hàng xóm, các gia đình xung quanh xúm lại cho mượn tiền khi cần thiết; mỗi vụ mùa thu hoạch họ sẵn sàng dành ra một phần để cho mượn.

Số tiền coi như “để đó”, không đòi bất tử, không tính lãi gì cả; cứ để thủng thẳng 5- 6 năm, khi những con em ra trường có việc làm ổn định sẽ từ từ giúp cha mẹ trả dần số nợ.

Cứ xoay vòng như thế, những người có con đã ra trường, đặc biệt là làm việc ổn định, lương khá, thì sẽ có nhiệm vụ quan tâm, hỗ trợ lại những người khác trong xóm.

Nhờ cái phong trào khuyến học cộng với sự hỗ trợ thiết thực nghĩa tình của xóm giềng đùm bọc lẫn nhau, mà giờ đây cái xóm Xẻo Lá này có đến hàng chục bác sĩ, thầy giáo, kỹ sư là người Khmer.

Câu chuyện này tiếp tục diễn ra ở các xóm nghèo lân cận. Thiệt là đáng để trân trọng nghĩa tình cao đẹp của bà con!

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh