Mùa nắng nói chuyện nóng

07:03, 30/03/2019

Tuần trước, chúng tôi có chuyến công tác tại tỉnh Đăk Nông 3 ngày thì ngày nào trời cũng có mưa, không phải mưa rào mà là mưa rất lớn kéo dài cả tiếng đồng hồ! Trong khi đó ở các tỉnh miền Tây cũng đã có mưa trái mùa, người dân làm nông nghiệp khấp khởi mừng, xem như những cơn "mưa vàng".

Tuần trước, chúng tôi có chuyến công tác tại tỉnh Đăk Nông 3 ngày thì ngày nào trời cũng có mưa, không phải mưa rào mà là mưa rất lớn kéo dài cả tiếng đồng hồ! Trong khi đó ở các tỉnh miền Tây cũng đã có mưa trái mùa, người dân làm nông nghiệp khấp khởi mừng, xem như những cơn “mưa vàng”.

Trong tuần này, thời tiết dường như cho thấy qua cơn mưa trời lại… càng nắng nóng hơn, trên bản đồ dự báo thường thể hiện khu vực màu đỏ (nắng nóng) lan rộng khắp các tỉnh ĐBSCL. Nhiệt độ cao nhất ở Nam Bộ từ đầu mùa khô đến nay ghi nhận được là 37,6 độ C (ở Biên Hòa ngày 18/3). Tại TP Hồ Chí Minh đã chạm ngưỡng 37 độ C. Các cơ quan truyền thông cảnh báo người dân cần “che chắn toàn diện” đề phòng tia cực tím (UV) và bụi mịn, khi đi ra đường, làm việc dưới trời nắng nóng. Các tỉnh miền Tây như Mộc Hóa (Long An) và Vĩnh Long có nhiệt độ 35,6 và 35 độ C. Nắng nóng dự báo xu hướng gia tăng những ngày cuối tháng 3.

Tại hội thảo nhận định mùa năm 2019, công tác tuyên truyền cung cấp thông tin khí tượng- thủy văn- khí hậu, phục vụ phòng chống thiên tai tại TP Cần Thơ vừa qua, đại diện Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định trong tháng 4/2019, nhiệt độ Nam Bộ có thể chạm ngưỡng 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong khi đó mùa mưa đến muộn hơn và kết thúc sớm hơn hàng năm.

Dự báo này khiến nhiều địa phương sản xuất lúa lo ngại. Chính vì thế, câu chuyện tại các vùng sản xuất nông nghiệp ở miền Tây không chỉ là “đảm bảo đủ nước ngọt”, mà còn phải tính tới sản xuất tiết kiệm nước trong mùa nắng nóng.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, trước tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô cho tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ,… nhiều nông dân cho biết không quá trông đợi vào những cơn mưa “hên xui”, mà họ đã áp dụng các giải pháp để tiết kiệm nước tưới hiệu quả nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại ít tác động đến môi trường.

Thay đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, ít hao nước cũng là vấn đề đặt ra cho các tỉnh ĐBSCL, trước thực trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ rệt. Những giải pháp chủ động trữ nước trong mương, giữ cỏ chân vườn, tưới phun, nhỏ giọt… đã được nông dân trồng cây ăn trái ở Vĩnh Long và nhà vườn miền Tây áp dụng rất đáng ghi nhận.

Có người nói “nắng cũng là đặc sản của miền Tây”. Thật vậy, những dự án năng lượng tái tạo, những mái nhà tận dụng năng lượng mặt trời đã và đang biến nắng thành nguồn tài nguyên có giá trị thiết thực. Và cần có chiến lược phát triển lâu dài để khai thác hiệu quả “đặc sản nắng”, cũng như giải pháp bền vững bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên.

TRẦN PHƯỚC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh