Khởi đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) với điểm xuất phát thấp, đến nay xã Tân Lộc (Tam Bình) đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được xây dựng hoàn chỉnh, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn... là thành quả của hơn 8 năm xây dựng NTM.
Khởi đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) với điểm xuất phát thấp, đến nay xã Tân Lộc (Tam Bình) đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được xây dựng hoàn chỉnh, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn... là thành quả của hơn 8 năm xây dựng NTM.
Một tuyến đường “bon bon” vào xã Tân Lộc. |
Từ điểm xuất phát thấp
Kể về những ngày mới bắt tay xây dựng NTM, ông Nguyễn Ngọc Việt- Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- cho biết: Thời điểm đó, xã Tân Lộc có điểm xuất phát rất thấp, đa số hộ dân sống bằng nghề nông với quy mô nhỏ lẻ, còn lại là làm công ở các khu công nghiệp.
Theo thống kê năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,12 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ sử dụng nước máy chỉ chiếm 43,11%; hộ nghèo chiếm đến 5,09%.
Về đường giao thông, chỉ có tuyến hương lộ Tân Lộc- Hòa Phú, tuyến đường tỉnh chạy trên địa bàn Ấp 8, còn lại chủ yếu là đường đan, đá cấp phối đã xuống cấp và đường đất nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Về cơ sở vật chất văn hóa, chỉ có nhà văn hóa xã, chưa có các phòng chức năng và cụm nhà văn hóa ấp; trên địa bàn xã cũng chưa có điểm trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 43,2%, dẫn đến tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chỉ chiếm 50,9%.
“Thật tình mà nói, khi xã phổ biến và triển khai chương trình xây dựng NTM, chúng tôi nghe có phần phấn khởi nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi, nhất là chưa hiểu rõ nội dung từng tiêu chí, cách thức tổ chức thực hiện như thế nào, phần việc nào là của Nhà nước, phần việc nào chúng tôi làm cùng Nhà nước...”- ông Dương Chí Phương- người dân ở Ấp 8 nhớ lại.
Qua thời gian, ông Phương cùng nhiều hộ dân đã từ từ hiểu ra được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM là để phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng cao đời sống dân sinh mà người thụ hưởng là nhân dân.
Từ đó, bằng uy tín của mình, ông Phương đã tham gia cùng Nhà nước vận động người dân xóa cầu cá, trồng hoa trên các tuyến đường và kéo điện ra trước nhà làm đèn chiếu sáng... để góp phần xây NTM về tiêu chí môi trường.
Còn ông Nguyễn Văn Khải (ấp Tân Lợi) tuy hoàn cảnh rất khó khăn, do diện tích đất canh tác không nhiều, chủ yếu làm thuê, làm mướn kiếm sống, nhưng khi Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp xây tuyến đường liên ấp (Ấp 8- Tân Lợi) từ lộ đá sang lộ nhựa, ông Khải đã gật đầu “cái rụp” hiến 550m2 đất trị giá hơn 100 triệu đồng chỉ với mong ước là... “tụi nhỏ được đi học dễ dàng”.
Đến diện mạo khởi sắc
Theo Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Tân Lộc Nguyễn Thị Thu Hiền, tuyến đường Ấp 8- Tân Lợi trước đây là đường đá, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Hiểu được nỗi nhọc nhằn đó, cách nay 2 năm, xã đã đến từng nhà vận động người dân hiến đất để mở rộng đường và xây lộ nhựa.
Điều đáng mừng là hầu hết hộ dân đều gật đầu hiến đất chứ không đòi bồi thường. Nhờ vậy mà năm 2018, công trình đã được khởi công nhanh chóng, giúp xã kịp về đích đúng tiến độ.
Từ thực tiễn thực hiện phong trào xây dựng NTM, người dân xã Tân Lộc được tiếp cận và thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn, thể hiện qua: tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia an toàn và tiết kiệm đạt 98,9%; sử dụng nước máy từ hệ thống nước máy tập trung 88,4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,53%; hộ dân sử dụng điện thoại 100%; xã có điểm truy cập internet công cộng và hơn 332 hộ có sử dụng internet, người dân tiếp cận các dịch vụ cung cấp từ bưu chính, từ viễn thông ngày càng nhiều hơn... |
Thật vậy, chính nhờ có được sự đồng thuận của người dân mà sau 8 năm xây dựng NTM, xã Tân Lộc đã “cán đích” NTM.
Về Tân Lộc hôm nay, chúng tôi thấy bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Trong phát triển nông nghiệp, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, đã và đang mang lại thu nhập cao, đúng theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tiểu thủ công nghiệp cũng đang phát triển với các tổ hợp tác thủ công, đan lác, thảm lục bình, giỏ xách nhựa... tạo điều kiện để giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn với 3.674 lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên chiếm tỷ lệ 96,76%, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 41,64 triệu đồng/năm.
Bên cạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, góp phần giúp cho Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội được đảm bảo giữ vững ổn định...
“Những điều này, đã làm nền tảng mở ra cho xã Tân Lộc nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tiếp theo”- ông Nguyễn Ngọc Việt khẳng định.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện Tam Bình Trần Văn Dũng cho rằng: Với khối lượng công việc lớn, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, đã đưa xã Tân Lộc về đích NTM.
Thời gian tới, xã cần có kế hoạch hợp lý trong phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định và từng bước hiện đại hóa, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Việt- Chủ tịch UBND xã Tân Lộc: Lợi ích mà xã Tân Lộc thụ hưởng lớn nhất trong 8 năm qua là đã được đầu tư gần 116 tỷ đồng để xây dựng NTM. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, xã còn huy động nguồn vốn trong dân gần 28,5 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động. Những lợi ích kinh tế- xã hội mang lại từ phong trào xây dựng NTM đã làm cho người dân xã Tân Lộc càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn trong việc tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương phát động. Từ đó, tích cực hơn trong lao động và sản xuất góp phần vào thành công chung trong phát triển kinh tế- xã hội của xã nhà và đưa xã về đích NTM. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin