Phát biểu chỉ đạo việc ứng phó với bão số 1 ngày 2/1, Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tuy là bão trái vụ nhưng nguy hiểm.
Tàu cá neo đậu tránh trú bão trên sông Cái Bé, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) |
Phát biểu chỉ đạo việc ứng phó với bão số 1 ngày 2/1, Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tuy là bão trái vụ nhưng nguy hiểm.
Bởi bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, nguy cơ ảnh hưởng lớn, đối tượng tổn thương rất rộng, khoảng 400.000 lao động (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) và đặc biệt gần 3.000 tàu trong phạm vi nguy hiểm của bão.
Đối với tuyến ven biển, căn cứ vào tình hình thực tế để thông báo cho các tỉnh cấm biển (hiện đã có 5 tỉnh cấm biển); kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, đặc biệt là với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chú trọng công tác vận hành đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du hồ chứa, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại 12 tàu/75 lao động của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (8 tàu đi lên phía Bắc, 2 tàu chìm, 2 tàu không liên lạc được).
Cần chủ động các biện pháp tiếp tục thông báo cho các tàu, thuyền để di chuyển tới nơi an toàn, đồng thời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi bão số 1 có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác ứng phó, phòng tránh bão, cứu hộ cứu nạn đối với những tàu, thuyền gặp sự cố.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông báo, hướng dẫn cho các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đảm bảo các giải pháp an toàn nuôi trồng thủy, hải sản; sản xuất nông nghiệp.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các địa phương thông báo để các tàu di chuyển, tránh trú, cố gắng không có tàu trong vùng nguy hiểm.
Bộ Ngoại giao có công hàm, thông tin đến các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho ngư dân trú tránh khi có yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải rà soát hoạt động vận tải vãng lai (do không biết luồng lạch, địa hình) sẽ rất nguy hiểm, tàu vận tải hàng hóa, các tàu chở khách, dân sự…
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông báo cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng tố lốc, các đối tượng bị ảnh hưởng; thường xuyên thông tin, phối hợp với các địa phương trong chỉ đạo, ứng phó.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chủ động với tinh thần coi đây là cơn bão nguy hiểm, có các giải pháp ứng xử phù hợp với tình hình.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên đưa tin về diễn biến bão, mưa, lũ để người dân chủ động phòng tránh.
Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (tính đến 6 giờ ngày 2/1) và các địa phương, Bộ đội biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm cho 76.054 phương tiện/405.607 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để di chuyển phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Có 10 tàu/93 lao động (Bình Định 7 tàu/63 lao động, Vũng Tàu 3 tàu/30 lao động) đang tránh trú tại Malaysia.
Báo cáo của Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên cho hay, tình hình thiệt hại do mưa lớn tại Bình Định từ ngày 28/12/2018 - 1/1/2019 đã làm 11.310 ha lúa mới gieo sạ bị ngập; 500m đê Tam Quan Bắc bị sạt lở; 1.400m bờ sông bị tràn; xói lở đập dâng Cây Kê và Cầu Bản cứu hộ cứu nạn ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân. Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê, cập nhật thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả.
Ngày 2/1, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp khẩn, chỉ đạo các sở, ngành chức năng khẩn trương rà soát, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 1.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, đến 4 giờ ngày 3/1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam (cách Côn Đảo khoảng 270km về phía Nam Tây Nam). Dự báo sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75 km/giờ), giật cấp 10.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, theo dự báo cơn bão không đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Nam Bộ, nhưng các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có khả năng ảnh hưởng rất lớn của cơn bão.
Thực tế trong ngày 2/1, trên vùng biển của tỉnh đã xuất hiện gió lớn cấp 6, cấp 7. Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương liên tục thông tin đến người dân về hướng đi của bão và các giải pháp chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đặc biệt, qua rà soát, kiểm đếm cho thấy toàn tỉnh có hơn 7.300 tàu cá với 20.423 người; trong đó có 1.086 tàu với 7.348 người đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển.
Trong ngày 1/1, cơ quan chức năng tỉnh đã liên lạc được với tất cả các chủ tàu kể trên; thông tin đến các chủ tàu, truyền trưởng, thuyền viên về tình hình cơn bão, hướng đi của bão và kêu gọi tàu, thuyền vào trú ẩn ở những khu vực an toàn.
Đến sáng 2/1, các chủ tàu cá đang khẩn trương di chuyển tàu đến những khu vực tránh trú bão an toàn. Hiện nay, hơn 200 tàu vào khu vực đảo Hòn Khoai đã được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn chạy thẳng vào bờ để neo đậu tránh trú bão an toàn.
Riêng khu vực đảo Hòn Chuối khá nguy hiểm, đường đi của bão số 1 sẽ ảnh hưởng đến khu vực này.
Cơ quan chức năng tỉnh đã hướng dẫn gần 300 tàu cá hoạt động ở khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến Bãi cạn Cà Mau (trong khu vực hướng đi của bão) nhanh chóng di chuyển tàu vào bờ neo đậu tránh bão. Đối với trường hợp tàu cá công suất nhỏ không thể vào bờ được do sóng lớn thì neo đậu ở khu vực đảo Hòn Chuối.
Các tàu cá công suất lớn cần tích cực hỗ trợ các tàu cá công suất nhỏ khi xảy ra sự cố trên biển. Nếu xảy ra lật tàu, chìm tàu, các tàu lớn sẽ tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tuy nhiên, chỉ để lại trên đảo một số ít người (thuyền trưởng, thuyền viên) để làm nhiệm vụ quản lý, xử lý tình huống như điều khiển neo, cầm lái…, giữ cho tàu không bị chìm, nhưng phải trang bị đầy đủ phương tiện đảm bảo cứu hộ, bảo vệ tính mạng cho truyền trưởng, thuyền viên ở lại đây. Các hộ dân cư ngụ trên đảo sẽ được bố trí vào khu vực Đồn biên phòng Hòn Chuối để tránh trú bão.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương, Đồn Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển; trong đó có 150 lồng bè nuôi cá bớp ở đảo Hòn Chuối.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều động phương tiện, lực lượng đến khu vực đảo Hòn Chuối và Hòn Khoai để hỗ trợ tỉnh Cà Mau thực hiện công tác cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Trước mắt, tỉnh đề xuất trung ương điều động tàu cứu hộ SAR 413 đang neo đậu ở Hòn Chông (Kiên Giang) đến Hòn Chuối của tỉnh Cà Mau./.
Trưa 2/1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nhằm triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 1.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ; thoát ra vùng ảnh hưởng của bão hoặc tìm nơi trú bão an toàn.
Đặc biệt, đối với huyện Đông Hải, yêu cầu cán bộ huyện đến từng nhà kiểm tra số tàu, hướng dẫn, tuyên truyền cho chủ tàu tìm nơi tránh trú bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng huyện Đông Hải phối hợp với các lực lượng khẩn trương tổ chức cứu nạn tàu BL 93222TS đang bị chết máy trên biển.
Đối với vùng sản xuất lúa-tôm, lúa Đông Xuân, đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng mở các cống để giảm ngập úng. Riêng vùng nuôi tôm công nghiệp, cần tính toán nếu thấy ảnh hưởng, vận động nông dân thu hoạch tôm sớm để tránh thiệt hại.
Huyện Đông Hải và thị xã Giá Rai cần đánh giá tác động của bão, tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, tài sản...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung lưu ý lực lượng Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường trực, sẵn sàng ứng phó với những tình huống cần thiết; tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng do mưa bão.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, cập nhật về tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt và có hướng phòng tránh…
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến trưa 2/1, trên vùng biển Bạc Liêu còn 310 tàu với 2.210 thuyền viên đang hoạt động.
Lực lượng chức năng đã liên lạc được 100% tàu và thông báo về đường đi của bão số 1 để các tàu chủ động phòng tránh hoặc vào bờ.
Theo ghi nhận, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch trên địa bàn tỉnh có mưa, đặc biệt mưa to xảy ra từ đêm 1 đến trưa 2/1 khiến hoạt động sản xuất, cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn./.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin