Số lượng giới trẻ tham gia mạng xã hội (MXH) ngày càng đông, như Zalo, Facebook. Giữa "ma trận" thông tin từ chính thống đến không chính thống trên MXH đã gây hoang mang lẫn tác hại không nhỏ cho giới trẻ. Do vậy, sử dụng MXH thế nào có hiệu quả, an toàn và văn minh là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm.
Số lượng giới trẻ tham gia mạng xã hội (MXH) ngày càng đông, như Zalo, Facebook. Giữa “ma trận” thông tin từ chính thống đến không chính thống trên MXH đã gây hoang mang lẫn tác hại không nhỏ cho giới trẻ. Do vậy, sử dụng MXH thế nào có hiệu quả, an toàn và văn minh là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm.
Khi tham gia MXH, bạn trẻ nên chia sẻ, like, comment an toàn và văn minh. Ảnh minh họa |
Mạng xã hội ảo nhưng... hệ lụy thật
Mỗi sáng thức dậy, Phạm Thảo N. sinh viên năm 2 (TP Vĩnh Long) có thói quen chụp vài bức ảnh “tự sướng”, “treo” thêm status giới thiệu.
Nếu có ai like hoặc bình luận, N. liền trả lời ngay. Việc lên Facebook mọi lúc mọi nơi ngốn khá nhiều thời gian khiến cô nàng không tập trung cho việc học nên kết quả học tập ngày càng sa sút...
Hiện nay có không ít bạn trẻ- nhất là học sinh, sinh viên- “nghiện” MXH. Thời gian các bạn bỏ ra để “lướt mạng”, truy cập và tìm kiếm những thông tin vô bổ khá nhiều. Nhiều bạn đắm chìm vào thế giới ảo mà xao lãng chuyện học hành, bỏ bê công việc...
Cũng có những trường hợp, các bạn lợi dụng MXH, đăng những lời bình luận, những hình ảnh nhằm bôi nhọ danh dự của bạn bè, gây ra mâu thuẫn, hiềm khích dẫn đến đánh nhau.
Đó là chưa kể, các bạn còn “comment”, “like” và chia sẻ tùy thích những nội dung chưa biết thật giả, đúng sai. Điều đó vô tình khiến các bạn trở thành công cụ “tiếp tay” cho những người có hành vi xấu...
Hơn 5 năm gắn bó với MXH, bạn Trần Lộc Tiến- sinh viên năm 3 (TP Vĩnh Long)- đã chứng kiến không ít phen bạn bè điêu đứng vì những thông tin “nhiễu loạn” trên thế giới mạng.
Tiến cho rằng: Không thể phủ nhận những tiện ích mà MXH đem lại, tuy nhiên cũng khó chối bỏ được những hệ lụy từ MXH gây ra.
Tiến dẫn chứng: như Ngọc H.- bạn cùng nhà trọ của Tiến- vì khá xinh xắn, cởi mở nên H. trở thành tâm điểm được nhiều người chú ý đến. Và đó cũng là điểm yếu khiến H. thường xuyên gánh chịu những thị phi không đáng.
Khi thì bị mỉa mai về phong cách ăn mặc, trang phục khi thì bị đặt điều “bắt cá hai tay”. Tệ hại hơn, có người còn lấy ảnh của cô ấy đăng thông tin giả mạo lên các trang web xấu, các hội, nhóm tìm bạn...
“Trò chơi độc ác ấy khiến H. phải chịu tai tiếng, cuộc sống thì đảo lộn. Cô ấy phải đóng cửa Facebook cá nhân, đổi số điện thoại, chuyển đến nơi ở khác”- Tiến nói.
Còn Nguyễn Mạnh Dũng- sinh viên năm 4 ngành xây dựng- không thể nào quên được trường hợp “nhập viện vì MXH” của Chí C.- bạn học cùng lớp. Chuyện là một lần sử dụng Facebook, C. đã vô tình đăng một dòng trạng thái nói về cô nàng đỏng đảnh cùng lớp.
Sau khi đăng tải đã có rất nhiều bình luận bênh vực và có những lời lẽ khích bác, nói xấu đối tượng mà C. chia sẻ. Sự việc lên đến đỉnh điểm là C. bị đám bạn kia chặn đánh trên đường đi học về. Sau một hồi xô xát, C. đã phải nhập viện.
“MXH là môi trường ảo nhưng hậu quả là thật. Vì vậy khi tham gia MXH, mình phải tỉnh táo, chọn lọc thông tin và chia sẻ những gì cần thiết. Cũng không nên ùa theo đám đông mà dễ bị các phần tử xấu lợi dụng”- Dũng cho biết.
Sử dụng mạng an toàn và đúng luật
Đoàn viên thanh niên chia sẻ những điều cấm của Luật An ninh mạng. |
Không thể phủ nhận rằng: MXH giúp con người tiện lợi trong việc chia sẻ, kết nối bạn bè, giải trí, tìm kiếm việc làm, quảng bá thương hiệu…
Tuy nhiên, MXH cũng là “con dao hai lưỡi” nếu như sử dụng không đúng cách. Và theo nhiều bạn trẻ, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là những nội dung độc hại, khó kiểm soát đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên.
Trong buổi làm việc với tuổi trẻ tỉnh nhà, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng:
Để phát huy tính tích cực của MXH và tránh tình trạng chia sẻ tràn lan thông tin, hình ảnh, đoàn viên thanh niên nên thay đổi thói quen sử dụng, chắt lọc thông tin và hơn hết là nên tạo thói quen tích cực chia sẻ những điều tốt, việc hay.
Thực hiện “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” sẽ giúp cho bạn trẻ hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet, nhất là các bạn trẻ phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội số an toàn, an ninh hơn.
Để tuyên truyền đến đông đảo các bạn trẻ, giúp họ nâng cao ý thức khi sử dụng mạng xã hội và hiểu hơn về Luật An ninh mạng, những ngày qua, đoàn viên thanh niên đã chia sẻ về những quy định, điều cấm, chú ý cùng những bài viết xung quanh luật này.
Theo nickname Long Huỳnh: mình nghĩ trước giờ các bạn trẻ có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng MXH chỉ là thế giới ảo, có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Suy nghĩ ấy khiến nhiều bạn trẻ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng.
Giờ đây, mỗi bạn trẻ khi sử dụng MXH phải là người ứng xử có văn hóa và là người hiểu biết pháp luật. “Phải có sự cân nhắc từng câu, từng chữ, từng hình ảnh để không làm vẩn đục môi trường mạng. Sử dụng MXH hợp lý không chỉ là hành vi văn hóa, ứng xử văn minh mà còn là thực hiện nghiêm pháp luật”.
Luật An ninh mạng quy định các điều cấm: sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi xúi giục, lừa gạt; xuyên tạc, phá hoại; đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông tin sai sự thật, gây thiệt hại, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng; tấn công xâm nhập, chiếm quyền điều khiển. Sử dụng, tán phát công cụ phần mềm gây rối loạn hoạt động mạng. Chống lại, cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ. Xâm phạm quyền, lợi ích của quốc gia, cá nhân, tổ chức và hành vi khác vi phạm quy định của luật này. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin