Xây kè kiên cố là giải pháp hữu hiệu để phòng chống sạt lở bờ sông. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tuyến kè "phủ sóng" dày đặc ở các đô thị vùng sông nước. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long mới đây, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ)- lại nhận định rằng "không phải ở đâu của đô thị sạt lở cũng nên làm kè…"
Xây kè kiên cố là giải pháp hữu hiệu để phòng chống sạt lở bờ sông. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tuyến kè “phủ sóng” dày đặc ở các đô thị vùng sông nước. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long mới đây, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ)- lại nhận định rằng “không phải ở đâu của đô thị sạt lở cũng nên làm kè…”
Cần di dời nhà ven sông để giảm áp lực cho bờ sông. |
Sạt lở thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh của các hộ dân sống ven sông từ thành thị đến vùng nông thôn. Tại các đô thị Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, sạt lở tấn công nhiều hộ ven sông lớn. Trong đó, có thể kể đến một số vụ lở khá nghiêm trọng ở TX Bình Minh và TP Vĩnh Long.
Tại TX Bình Minh, rạng sáng 8/5/2018, một vụ sạt lở đã xảy ra tại bờ kinh Hai Quý (gần cầu Thành Lợi) thuộc Tổ 1, Khóm 1 (phường Thành Phước), khiến 7 hộ phải khẩn cấp di dời.
Theo ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND thị xã, đây là vụ lở nghiêm trọng trong vòng nhiều năm trở lại đây: “Khu vực này hàng năm đều có xảy ra sạt lở cục bộ chiều dài khoảng 15- 20m nhưng không nghiêm trọng như lần này”.
Ghi nhận tại hiện trường, sạt lở nuốt chửng một đoạn đường đan, tới sát tường rào nhà dân- gây ảnh hưởng trực tiếp đến 7 hộ dân với 31 nhân khẩu.
Ngay sau khi sạt lở, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, ông Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh, cùng lãnh đạo UBND, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thị xã đã trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục.
Ngay sau đó, khu vực này đã được gia cố tạm bằng cừ tràm nhưng tình hình sạt lở chưa dừng lại hẳn mà vẫn còn tiếp diễn thêm vài đợt nữa tiếp tục ngoạm sâu vào bờ.
Trong khi đó, nằm ven sông Tiền, cồn Giông (xã Tân Hội) là một trong những “điểm đen” sạt lở của TP Vĩnh Long nhiều năm nay.
Lần nào gặp chúng tôi vào mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Mới- Phó Trưởng ấp Tân Thạnh (một ấp thuộc cồn Giông) cũng… than khổ vì phải căng thẳng lo gia cố cống bộng phòng chống sạt lở bất kể ngày đêm.
Theo ông Mới, đây là đất không chân, lại hứng “giọt nước” từ đầu nguồn đổ về… nên mới lở thường xuyên như vậy.
Ghi nhận của chúng tôi vào tháng 10/2018- ngay trong mùa mưa bão năm nay, tuyến đê bao cồn Giông có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê ảnh hưởng đoạn này có khoảng 100 hộ dân, nuôi trồng thủy sản và trên 25ha diện tích vườn cây ăn trái.
Do tình hình cấp bách nêu trên, UBND TP Vĩnh Long đã quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Gia cố những đoạn sạt lở tuyến đường đan đê bao cồn Giông (đoạn từ kè rọ đá đến giáp nhà ông Chí Trường xã Tân Hội). Một số hộ dân ở đây cho biết, rất mong nơi đây sớm được làm kè kiên cố để hết lo lở.
Thực tế cho thấy, không riêng Vĩnh Long, xây kè kiên cố cũng là cách mà nhiều đô thị đã làm để phòng chống sạt lở bờ sông cấp bách và cả lâu dài. PGS. TS. Lê Anh Tuấn nhìn nhận hiệu quả chống sạt lở của các tuyến kè.
Theo đó, ông khẳng định: Kè ở đô thị để chống sạt lở 2 bên bờ sông là chính, đôi khi kè cũng cần để bảo vệ những công trình xung yếu.
Tuy nhiên, kè hết bờ sông thì không tốt vì nước mưa thấm xuống đất đi ra sông nên “kè hoài thì làm thay đổi bản chất tự nhiên của dòng chảy”.
“Về lâu dài, cần phải biết nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông để trị nguyên nhân chớ không phải lở ở đâu thì làm kè ở đó”. Theo đó, khai thác cát khiến sạt lở gia tăng làm thay đổi dòng chảy. Bên cạnh, từ khi các đập thủy điện do các nước phía thượng lưu Mekong xây ngày càng nhiều thì dòng chảy bị chặn lại- phù sa xuống ĐBSCL giảm đi một nửa. Trong khi phù sa có tác dụng làm cho dòng chảy chậm lại. Nếu thiếu phù sa thì nó chảy nhanh hơn, sạt lở gia tăng, gây nên hiện tượng nước đói. Nước đói phù sa thì ăn vào 2 bên bờ.
Mặt khác, phù sa có tác dụng bù lún. Bởi đồng bằng mình đất mềm lắm, để tự nhiên cũng lún- đất dẻ lại, đất tự nhiên nó cũng đã lún lại thêm do khai thác nước ngầm, do công trình xây dựng nhiều…
Phù sa về hàng năm đắp trên mặt, bù cho cái lún đó, giúp đồng bằng nâng cao lên. Bây giờ phù sa giảm đi thì hiện tượng bù lún giảm.
Trong khi, người dân mình có tập quán sống 2 bên bờ sông và xây nhà ngày càng kiên cố, đè bờ sông làm cho đất yếu đi.
Thêm yếu tố nữa là giao thông trên sông gia tăng. Ngày xưa, người ta bơi xuồng nhẹ nhẹ, giờ tàu máy chạy suốt ngày, sóng đánh vô lấy đất ra. Rồi công trình, xe cộ, xe tải chạy cặp 2 bên bờ sông tạo nên áp lực đẩy 2 bờ sông đi xuống…
Để giảm áp lực 2 bên bờ sông và giảm thiểu sạt lở, cần có giải pháp quy hoạch dời dân xa bờ sông. Đồng thời, từ việc tìm hiểu nguyên nhân sạt lở bờ sông, cần đề ra giải pháp phù hợp. Nếu như sạt lở do khai thác cát thì dừng khai thác và đặc biệt lưu ý những giải pháp mềm cho bờ sông.
Thiết nghĩ, thay vì “ở đâu có sạt lở cũng làm kè” vừa tốn kém mà có khi lại “phản tác dụng” thì việc tìm hiểu, mổ xẻ nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông để có giải pháp khắc chế hiệu quả là hết sức cần thiết.
Đặc biệt, khi mà những giải pháp mềm cho bờ sông xanh hơn, thân thiện với mặt nước hơn… đã được nhiều chuyên gia đô thị lưu ý trong quy hoạch đô thị thời gian gần đây thì “việc xây kè kiên cố hóa bờ sông lâu dài” càng cần được tính toán thấu đáo.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin