Tỉnh Vĩnh Long đã thành lập BCĐ 896 để tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Long đã thành lập BCĐ 896 để tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trên địa bàn.
Sau hơn 2 tháng phát phiếu thu thập thông tin, số phiếu thu vào đạt hơn 60%, nhưng để đạt được mục tiêu hoàn thành việc thu thập vào cuối năm nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo phương án của Bộ Công an trình Chính phủ, các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân sẽ được bãi bỏ để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh phiền hà cho người dân khi phải đi lại nhiều lần để hoàn thành các thủ tục. Ảnh minh họa |
Vẫn còn chậm
Ngày 10/9/2018, BCĐ 896 tỉnh chỉ đạo các huyện đồng loạt ra quân phát phiếu thu thập thông tin dân cư trong toàn tỉnh và hướng dẫn việc thu thập ngày, tháng sinh đối với những trường hợp không có các thông tin này.
Đối với địa phương cấp xã, thành lập các tổ công tác trực tiếp đến từng hộ gia đình phát phiếu thu thập thông tin và hướng dẫn người dân ghi phiếu, sau đó kiểm tra, đối chiếu với sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy kết hôn,… để đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin.
Toàn tỉnh hiện có 298.850 hộ với trên 1.342.000 nhân khẩu. Tỉnh được Bộ Công an phát trên 1.293.000 phiếu thu thập thông tin.
Sau 2 tháng, đã phát ra trên 872.000 phiếu và đã thu thập được trên 615.000 phiếu. Trong đó, có trên 458.000 phiếu đạt yêu cầu, các phiếu còn lại phải bổ sung thông tin ngày, tháng sinh, nơi đăng ký khai sinh; họ, chữ đệm, tên, số chứng minh nhân dân của cha, mẹ, vợ, chồng và chứng minh nhân dân của người được thu thập.
Ngoài ra, thông tin về nhóm máu có tỷ lệ thu thập đạt rất thấp. Thông tin về mối quan hệ với chủ hộ nhưng trong tài liệu đào tạo triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không có hướng dẫn như: cháu dâu, cháu rể,…
Báo cáo của BCĐ 896 sau 2 tháng triển khai việc thu thập thông tin về dân cư, Mang Thít là địa phương có tỷ lệ phiếu thu vào đạt cao nhất, với trên 78% so tổng số phiếu phát ra.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác này trong toàn tỉnh vẫn còn chậm, một số nơi chưa tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan và tổ chức tuyên truyền chưa quyết liệt.
Đại tá Nguyễn Trọng Dũng- Phó Giám đốc Công an tỉnh- cho biết, theo kế hoạch thì việc thu thông tin về dân cư và chuyển phiếu về công an các huyện phải hoàn thành trước ngày 31/12/2018.
Do đó, sẽ tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thu thập để người dân hiểu và đồng thuận.
Song song, công an các địa phương tiến hành thống kê, rà soát lại các phiếu đã thu thập, những phiếu còn thiếu thông tin thì kiểm tra sổ đăng ký thường trú, sổ danh sách nhân khẩu, hộ khẩu,… để bổ sung đầy đủ, sắp xếp hợp lý.
Tiến tới bỏ hộ khẩu
Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thời gian qua đã gây nhiều trở ngại cho người dân trong việc đi lại hoặc muốn chuyển đến nơi ở mới.
Trong khi đó, Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu… dẫn đến bộ máy hành chính cồng kềnh, khối lượng hồ sơ lưu trữ rất lớn, gây tốn kém ngân sách.
Để giải quyết thực trạng trên, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng hướng đến việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của Bộ Tư pháp với các bộ ngành liên quan để thẩm định đề nghị xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi) vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định chỉ khi nào hoàn thiện được cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì mới bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục liên quan.
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, cách thức quản lý dân cư ở nước ta cần tiếp cận mô hình quản lý công dân theo hướng tích hợp, đơn giản mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật sửa đổi phải đánh giá được tác động khi bãi bỏ hình thức quản lý theo hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, cần đảm bảo sự phù hợp với các chính sách, pháp luật nói chung về công tác cán bộ, vấn đề tinh giản biên chế,…
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải cân nhắc tới tính khả thi vì mọi chính sách của dự thảo luật đều bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu dân cư và chỉ khi nào hoàn thiện được cơ sở dữ liệu thì mới bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục khác. Mặt khác, phải tính toán tới vấn đề ngân sách, vấn đề bảo mật thông tin khi chia sẻ những dữ liệu này.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin