Không để "nước đến chân mới nhảy"

05:12, 05/12/2018

Khí hậu thay đổi thất thường, ĐBSCL mình giờ đang đứng trước những thách thức mà Hai Lúa tui nghĩ là mình phải chủ động không để "nước đến chân mới nhảy". Nhà nước thì chủ động gia cố đê bao, còn nhà nông mình thì cần chủ động những chuyện ở nhà mình.

Khí hậu thay đổi thất thường, ĐBSCL mình giờ đang đứng trước những thách thức mà Hai Lúa tui nghĩ là mình phải chủ động không để “nước đến chân mới nhảy”. Nhà nước thì chủ động gia cố đê bao, còn nhà nông mình thì cần chủ động những chuyện ở nhà mình.

Ví dụ như bờ bao chỗ nhà mình mà còn sạt lở hay tràn chút đỉnh thì ngoài báo với địa phương cần chủ động bồi đắp liền. Đó cũng là việc mà tui thấy bà con dọc hương lộ Cái Ngang (Tam Bình) làm rất nhiều, nước đến đâu bà con chủ động be bờ tới đó.

Bờ bao, mương vườn cần được kiểm tra thường xuyên; rồi những dụng cụ tưới tiêu như máy bơm có bị hư hỏng gì chưa… để chủ động nguồn nước tưới tiêu cho ruộng lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Nhà ai gần sông cần chú ý sạt lở, trồng lục bình để hạn chế sức nước, tấn mé bằng cừ tràm. Cứ thấy “nứt lằn kiến bò” là chủ động báo về ấp, xã liền rồi chủ động ứng phó.

Bờ bao trên đất nhà mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt của mình nên không được ỷ lại hoàn toàn vào chính quyền.

Ngoài ra, tui đây còn thấy thời tiết nào sâu bệnh đó. Ví như ruộng ngập sâu thời kỳ đang đẻ nhánh thì dễ bị vàng lá do vi khuẩn. Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ thường phát triển vào vụ Đông Xuân nên phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm.

Nói chung là mần ăn gì bà con mình cũng cần phòng tránh thiên tai dịch bệnh để hạn chế thiệt hại, cho mùa màng bội thu. Làm nông nghiệp bây giờ không thể chỉ “Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm” được, phải hông bà con mình?

hailua@yahoo.com

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh