PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, có nhiều nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề ngập ĐT.
Triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âl vừa qua khiến nhiều đô thị (ĐT) ĐBSCL ngập “chưa từng có”. Trong khi các ĐT của Vĩnh Long bị ngập ở nhiều nơi chưa từng ngập thì TP Cần Thơ- đô thị loại I cũng được ghi nhận “ngập lịch sử”.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, có nhiều nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề ngập ĐT.
Triều cường đầu tháng 9 âl, nhà cửa, hàng quán đoạn dốc cầu Cồn Khương (TP Cần Thơ) ngập sâu. |
ĐT Vĩnh Long, Cần Thơ ngập “chưa từng có”
TP Vĩnh Long vốn “dễ tổn thương” trước các trận mưa lớn, triều cường. Đợt triều cường vừa qua khiến nhiều tuyến đường, hàng quán, nhà cửa ngập lênh láng. Nhiều người dân cho biết, dù đã ra sức xây hàng rào bê tông, chắn bao cát… nhưng nước vẫn ập vào. Ngập nặng nhất phải kể đến các tuyến đường: Mậu Thân (Phường 3), Nguyễn Huệ (Phường 2), Trưng Nữ Vương (Phường 1)…
Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết: Năm nay, triều cường dâng cao so những năm trước. Nhiều tuyến đường trước nay không ngập nay cũng ngập sâu.
Trong khi hệ thống van 1 chiều bị “tê liệt” (do cân bằng mặt nước nên van không còn tác dụng) thì bơm tát không thoát nước được bao nhiêu.
“Do đó, công ty đề nghị Phòng Quản lý ĐT TP Vĩnh Long phối hợp với UBND các phường, đơn vị liên quan vận động người dân phối hợp dùng bao cát ngăn nước tràn, có phương án xử lý thích hợp”- ông Ngô Thành Thía cho hay.
Nằm ven sông Hậu, TX Bình Minh có nhiều điểm ngập sâu, mực nước lên tới 0,95m so mức trung bình, có nơi còn ngập sâu hơn. Ở đoạn QL54 qua phường Thành Phước (đoạn từ ngã ba Cầu Bắc đến cầu Thành Lợi), chị Kiều Tiên- chủ quán cà phê- nói: Lúc nước lên thì đoạn này ngập cả thước.
Còn anh Phạm Minh Đức (xã Đông Thành) đi làm ngang đoạn này nói: khúc này nhiều “ổ voi”, lần trước tôi được chỉ đi vòng khu dân cư cho đỡ ngập, ai dè đợt này nước quá nên đường khu dân cư cũng “chìm” gần nửa bánh xe.
Ông Cao Thế Lữ- Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum Hiện địa phương cùng người dân cũng đã phối hợp khắc phục, gia cố lại tạm thời một số chỗ bị ảnh hưởng theo phương châm “4 tại chỗ”. Rút kinh nghiệm từ các con nước trước, hiện người dân đã chủ động kê đồ đạc lên cao, bố trí lại thiết bị điện, làm bờ bao... ngăn nước cho các đợt triều cường tới. |
Thị trấn Mang Thít- ĐT duy nhất không lo bị ngập của tỉnh nhiều năm qua thì “năm nay cũng bị rỉ rả vài chỗ”. Ông Cao Thế Lữ- Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum- cho hay: Nhờ có bờ kè và cống kiên cố nên Khóm 1 không ngập nhưng các Khóm 2, 3, 4 có một số đoạn đê bao, đường giao thông bị tràn. Khu vực chợ nông sản có một số chỗ kè xuống cấp- lún, nứt nên rịn nước.
Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âl, nhiều tuyến đường, hẻm và nhà dân có cao trình thấp trong nội ô bị ngập.
Đặc biệt là quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Các tuyến đường ngập sâu như: Mậu Thân, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai,... Trong đó, quận Ninh Kiều ngập từ 0,2- 0,5m, kéo dài 2- 4 giờ gây trở ngại đáng kể cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông, vệ sinh môi trường…
Nguyên nhân gây ngập được xác định do lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về kết hợp triều cường; mưa lớn cường suất kéo dài và do quá trình xây dựng cải tạo ĐT làm giảm sự điều tiết tự nhiên, thoát nước kém.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho biết, vừa rồi, mực nước cao nhất đo được ở Cần Thơ là gần 2,23m- đạt mức cao “lịch sử”, vượt báo động 3 (thường là 1,9m).
Đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long) là một trong những con đường ngập nặng nhất của TP Vĩnh Long. |
Nguyên nhân và giải pháp
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, trong khi lũ thượng nguồn đổ về chỉ cao hơn trung bình- không cao hơn nhiều năm trước thì việc ghi nhận mực nước tại Cần Thơ cao lịch sử là bất thường.
Nguyên nhân là khi lũ truyền từ trên xuống rơi vào giai đoạn triều cường ở dưới đi lên. Đỉnh cao này nó không thoát được ra biển- bị chặn lại giống như một bức tường nên dâng cao hơn. Những tháng cuối năm, Cần Thơ có những trận mưa lớn làm cho những vùng trũng ngập nước hết.
Một trong những nguyên nhân mà những người làm công tác chuyên môn chúng tôi thảo luận với nhau là: Coi trên không ảnh thì thấy những vùng chứa lũ xưa của ĐBSCL như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười trước đây trữ nước rất nhiều vào mùa lũ. Hiện 2 vùng đó bị vây bởi nhiều đê bao- không gian chứa giảm đi nên nước chảy dồn qua những vùng khác. Cụ thể, là dồn xuống phía dưới các tỉnh hạ nguồn như Cần Thơ, Vĩnh Long.
Một yếu tố khác cần lưu ý tới là mặt đất ở đây đang lún. “Vừa rồi, tôi có đi khảo sát nhiều vùng ở Cần Thơ.
Hỏi người dân thì họ nói thấy rất rõ hiện tượng nhà đang lún. Cái này phù hợp với nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, người ta thấy rằng ĐBSCL đang lún với cấp độ 2- 4 cm/năm. Nguyên nhân gây lún là do mật độ xây dựng ngày càng gia tăng; khai thác nước ngầm quá cao”- PGS. TS. Lê Anh Tuấn nói.
Dù nước đã rút nhiều nhưng QL54 qua phường Thành Phước (TX Bình Minh) ngập sâu. Ảnh chụp triều cường đầu tháng 9 âl. |
Trả lời cho câu hỏi “Vì sao ĐT đồng bằng ngày càng ngập nặng?”- ông Lê Anh Tuấn cho rằng, ngoài chuyện bất thường của thiên nhiên như mưa nhiều, lũ cao thì hoạt động của con người khiến ngập úng gia tăng.
Trong khi ĐT hóa ngày càng cao, hệ thống thoát nước xuống cấp trong khi dân số ngày càng tăng. Bên cạnh, những vùng trũng hay kinh rạch dùng để thoát nước lũ, nước mưa bị lấp lại để xây cất các công trình, nhà cửa. “ĐT như cái dĩa, nước tràn lên gặp bê tông hóa không có chỗ thấm nên dâng cao hơn”.
Sắp tới, ngành chức năng cần cảnh báo nguy cơ nước dâng cao để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại: kê đồ đạc lên cao, những chỗ xung yếu thì đắp bờ bao, di tản người cao tuổi, trẻ con đến nơi an toàn… Về lâu dài, cần khôi phục lại, tăng diện tích trữ lũ ở vùng trên lên, hoãn những dự án đê bao mới, vùng sản xuất trong đê bao không hiệu quả thì dần dần “mở đê”.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì “hiện tượng ngập” này sẽ lặp lại trong những năm tới. Tuy nhiên, đừng thấy một hai hiện tượng như vậy mà hoảng hốt. Bởi một ngày có 2 lần triều cường, mà chỉ xảy ra vào tháng 10 của năm. Do đó, cần cân nhắc- cần thiết hay không làm công trình đê bao to vây quanh ĐT để an dân? Không chỉ xây dựng khá phức tạp, tốn kinh phí lớn mà hiệu quả không cao. Nên chọn giải pháp mềm- thuận tự nhiên trước. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin