Đồng bằng dưới cánh bay

07:11, 24/11/2018

Thích nhất là khi máy bay hạ dần độ cao để đồng bằng trải rộng trong tầm mắt. Những mảnh vườn xanh thẫm và những thửa ruộng hình chữ nhật xếp thành hàng bởi bờ đê thẳng như kẻ chỉ. Từng ô ruộng màu xanh non, vàng tươi hoặc nâu xám tùy theo mùa vụ. 

Thích nhất là khi máy bay hạ dần độ cao để đồng bằng trải rộng trong tầm mắt. Những mảnh vườn xanh thẫm và những thửa ruộng hình chữ nhật xếp thành hàng bởi bờ đê thẳng như kẻ chỉ. Từng ô ruộng màu xanh non, vàng tươi hoặc nâu xám tùy theo mùa vụ. 

Không thể nào vắng mặt ở miền Tây là sông ngòi, kinh rạch chằng chịt như những sợi dây bạc óng ánh kéo về xa tận chân trời. Dọc hai bờ sông, nhà cửa, xóm làng nối nhau mút tầm mắt, gợi lên nét thanh bình đến khó tả…

Nhưng bên dưới vẻ đẹp của miền quê vẫn còn nhiều trăn trở. Trong những đợt tiếp xúc cử tri, đã đôi ba lần chúng tôi nghe nông dân bức xúc chuyện làm lúa. Rất bất ngờ, nhiều nông dân không phải “đòi” làm 3 vụ/năm mà là ngược lại, bà con yêu cầu ngành, địa phương phải có quy hoạch, có chỉ đạo nghiêm khắc để đồng loạt bớt lúa vụ 3.

Vì không cho đất nghỉ là càng làm càng lỗ lã. Lỗ về hiệu quả kinh tế, lỗ vì hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng nhiều, càng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe, đất đai bạc màu. Bởi mỗi năm đồng bằng làm ra 25 triệu tấn lúa thì đất đai, sông ngòi đã phải gánh gần 4 triệu tấn phân, thuốc.

Nhiều nhất là những âu lo phân bón kém chất lượng mà giá vẫn cao, lo nông sản được mùa mất giá hàng chục năm vẫn khắc phục chưa xong thì nay lại thêm “cò gặt”, “cò mua lúa”. Trong mỗi hạt gạo dẻo thơm vẫn còn muôn đắng nghìn cay.

Giờ đây ĐBSCL lại là một trong những đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu và chịu sự tác động của đập thủy điện nơi đầu nguồn Mekong .

Cùng với đó là những vấn đề nội tại: qua vài chục năm thâm canh tăng vụ, qua vài chục năm mở rộng giao thông, phát triển đô thị, thì hệ thống sông rạch miền Tây bị tác động rất lớn, bị chèn ép, bị xâm lấn bị hủy hoại bằng hóa chất, rác thải,… Để giờ đây, hình ảnh “Đàn chim non bơi lội trên sông/ Tôi dang tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ”(*) đã hầu như không còn nữa.

Có lẽ còn nhiều việc đáng lo, đáng quan ngại đối với các ngành, các địa phương và cả những người dân- đang đóng vai trò trực tiếp và quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sống đồng bằng.

Sông rạch, ruộng vườn đã rõ nét dưới cánh bay. Màu xanh thanh bình mà gợi nhiều suy nghĩ…

(*) “Nhớ con sông quê hương”- Tế Hanh

PHƯƠNG NAM

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh