Bão xuống quá sâu, miền Nam rung rinh trước bão

01:11, 22/11/2018

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các mô hình dự báo quốc tế, hôm nay 22/11, áp thấp nhiệt đới ở Nam biển Đông sẽ mạnh lên thành bão.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các mô hình dự báo quốc tế, hôm nay 22/11, áp thấp nhiệt đới ở Nam biển Đông sẽ mạnh lên thành bão.

    Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ sáng ngày 22/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

    Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

    Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTVTW
    Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTVTW

    Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.

    Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

    Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông.

    Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

    Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần. Đến 7 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

    Trong khi đó, theo thông tin từ các đài quốc tế, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn từ 200-300mm tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trên biển cũng có mưa to, trong đất liền cảnh báo xảy ra dông, lốc cục bộ.

    Báo cáo tổng hợp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay 22/11 về tình hình của khu vực bão sắp đổ bộ như sau:

    - Tổng số tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên của 9 tỉnh từ Quảng Nam đến TPHCM là 29.427 tàu cá, trong đó có 17.703 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Qua hệ thống giám sát tàu cá, hiện có 1 tàu cá của Bình Định (BĐ-98172-TS) trong vùng dự kiến bão ảnh hưởng và đang di chuyển trú tránh; 

    - Có 27 khu neo đậu theo tiêu chuẩn với tổng công suất là: 22.527 tàu, đáp ứng 76% nhu cầu;

    - Hiện có 25.310m bờ biển đang có diễn biến sạt lở nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Xóm Rớ, tỉnh Phú Yên và Vĩnh Nguyên, tỉnh Khánh Hoà, Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Liên Hương, tỉnh Bình Thuận; Hội An, tỉnh Quảng Nam...

    - Tổng chiều dài các tuyến đê biển, cửa sông từ Quảng Nam đến TPHCM là 621,8km, trong đó mới nâng cấp 96,4km chống được bão cấp 9.

    - Hiện đang có 5 công trình với 4,78km đê, kè đang thi công (Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu) và đã có phương án bảo vệ trường hợp bão đổ bộ.

    - Các hồ chứa Nam Trung Bộ trung bình đạt 30%-80% dung tích thiết kế; khu vực Tây nguyên có 540 hồ chứa đã đầy nước, số hồ còn lại đạt 55%-85%.

    - Các hồ có cửa van đang vận hành xả lũ: Hồ Suối Dầu xả 15m3/s, Tà Rục xả 13m3/s (Khánh Hòa); hồ Tân Giang xả 10m3/s (Ninh Thuận), Ea Soup Thượng xả 7m3/s, Krông Buk Hạ xả 10m3/s (Đăk Lăk).

    - Các hồ chứa đang thi công như hồ Đập Làng (Quảng Ngãi), Thạch Bàn (Bình Định), Đạ Tẻ (Lâm Đồng) hiện không tích nước và có phương án ứng phó với thiên tai bảo đảm an toàn.

    - Các địa phương đã tổ chức canh gác tại các hồ chứa đạt trên 70% dung tích thiết kế và các hồ chứa xung yếu để chủ động vận hành và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

    Đối với các hồ chứa nhỏ, các hồ chứa dân sinh trong khu đô thị, dân cư tập trung cần tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra sự cố như hồ trong khu đô thị núi Cô Tiên, Nha Trang, Khánh Hòa vừa qua

    Theo VĂN PHÚC - SONG NGUYÊN/SGGP

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh