Ý kiến đóng góp gửi bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long; (qua Phòng Quản lý Văn hóa), địa chỉ: Số 10, đường Hưng Đạo Vương, Phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, hoặc qua địa chỉ email: huuthoaivhttdlvl@gmail.com, điện thoại: 02703.823718, trước ngày 30/10/2018.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long- thông báo xin ý kiến nhân dân về việc dự kiến đặt tên Phan Văn Đáng cho trường THPT sắp xây dựng tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm) để làm công trình chào mừng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Văn Đáng- Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ý kiến đóng góp gửi bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long; (qua Phòng Quản lý Văn hóa), địa chỉ: Số 10, đường Hưng Đạo Vương, Phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, hoặc qua địa chỉ email: huuthoaivhttdlvl@gmail.com, điện thoại: 02703.823718, trước ngày 30/10/2018.
KHÁI QUÁT DỰ KIẾN ĐẶT TÊN TRƯỜNG PTTH Ở XÃ TÂN AN LUÔNG, HUYỆN VŨNG LIÊM
1. Quy mô xây dựng:
- Tổng diện tích xây dựng: 17.626m2
- Tổng vốn đầu tư: 50,046 tỷ đồng
- Loại cấp công trình: nhóm B cấp III
- Địa điểm xây dựng: Ấp 8, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm
- Quy mô xây dựng: 30 phòng học
2. Dự kiến đặt tên: Trường THPT Phan Văn Đáng
TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ PHAN VĂN ĐÁNG (1918- 1997)
Đồng chí Phan Văn Đáng sinh năm 1918, trong gia đình có truyền thống cách mạng, quê ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 1930, lúc mới 12 tuổi đã tham gia công tác liên lạc, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng ở quận Tam Bình. Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Năm 1940, ông tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được bổ sung vào BCH Tỉnh ủy Vĩnh Long. Tháng 7/1946, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Sau khi sát nhập 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, Tỉnh ủy Vĩnh Trà được thành lập, ông được bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà. Năm 1954, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Tháng 5/1957, ông được cử làm Trưởng đoàn ra miền Bắc xin ý kiến chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi ở miền Nam. Năm 1961, ông được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Trưởng BTC và Trưởng ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giải phóng cho đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1975- 1976 ông được cử làm Phó Ban đại diện Đảng và Chính phủ tại miền Nam, Phó Trưởng BTC Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương. Năm 1976, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về mặt công tác Đảng là Phó Trưởng BTC Trung ương. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III và IV; Đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông mất ngày 9/5/1997. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
GHI CHÚ: Để tiện lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho việc đặt tên Trường Phan Văn Đáng ở huyện Vũng Liêm, thông tin này còn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải trên website: www.svhttdl.vinhlong.gov.vn (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); www.baovinhlong.com.vn (Báo điện tử Vĩnh Long); vinhlong.gov.vn (Cổng thông tin điện tử Vĩnh Long).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin