Những ngày này, khi đất nước chào mừng lễ kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh (2/9), trở về xã Phú Lộc (Tam Bình), chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân sung túc đúng như tên gọi của xã.
Những ngày này, khi đất nước chào mừng lễ kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh (2/9), trở về xã Phú Lộc (Tam Bình), chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân sung túc đúng như tên gọi của xã.
Sau 3 năm về đích nông thôn mới, những con đường xã Phú Lộc ngày càng đẹp hơn. |
Thu nhập tăng thêm gần 10,3 triệu đồng
Dọc theo các tuyến đường, những khóm hoa đang bung cánh khoe sắc thắm, hàng cột cờ thẳng tắp, đèn đường thắp sáng, nhiều căn nhà tường khang trang mọc lên đã tạo nên diện mạo nông thôn xã Phú Lộc nhiều khởi sắc.
Bên tách trà hàn huyên, ông Nguyễn Thanh Long (ấp Cây Điều) kể: “Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tui nối bước theo truyền thống cách mạng gia đình, tham gia kháng chiến và làm du kích xã.
Trong một trận càn quét của địch, 2 người anh trai cùng nhiều người trong dòng họ của tui lần lượt hy sinh để lại bao đau thương mất mát nên tui càng thấu hiểu câu nói của Bác Hồ “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Vườn sầu riêng Ri 6 đem đến cho ông Nguyễn Thanh Long cuộc sống sung túc. |
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Long tập trung phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng ấm no. Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng Ri 6 có những cây gần 20 tuổi đang vươn mình tỏa bóng mát, ông Long cho biết: “Đất này trồng sầu riêng được lắm.
Với 5 công vườn, tui lời trên 200 triệu đồng/năm- khá hiệu quả so với nhiều loại cây trồng khác, chỉ cần siêng năng chăm sóc và biết áp dụng đúng kỹ thuật thì cây cho năng suất cao”.
Thời bình, người dân không chỉ được an tâm sản xuất, mà còn được Nhà nước đầu tư thủy lợi, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để làm kinh tế.
Quê hương Phú Lộc ngày nào bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh nay đã đổi mới toàn diện với hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện: điện thắp sáng, nước sạch được kéo về nông thôn, những ngôi trường khang trang cùng những tuyến đường trải nhựa giúp ấp liền ấp, xã liền xã. Nói như ông Long là: đáp ứng “ngon lành” đời sống người dân.
Đến ấp Long Công, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Út và anh Nguyễn Minh Thành. Trong căn nhà rộng đến 180m2, anh Thành cười xởi lởi:
“Nhờ chuyển 2 công ruộng lên trồng cúc Tiger mà vợ chồng tui cất được căn nhà này đó. Với 6 thiên bông, tui kiếm lời 30 triệu đồng/vụ khỏe re.
Từ lúc giâm cây đến thu hoạch khoảng 4- 4,5 tháng. Sau đó, tui chuyển sang trồng cải tùa xại làm dưa chua bán, rồi xoay lại trồng bông. Nhờ vậy mà cũng kiếm được cả trăm triệu đồng/năm.
Chị Út tiếp lời: “Quê hương mình đổi thay nhiều lắm, nếu đi xa vài năm về sẽ không nhận ra. Giờ mấy người trẻ đi làm công ty, xí nghiệp về cất nhà tường ngon lành lắm, chứ ông bà mình ngày xưa phải dành dụm cả đời mới cất nổi căn nhà.
Ngày xưa, mỗi lần vận động góp tiền xây đường là trần thân luôn, nhưng giờ nghe nói dân mình đồng ý ngay vì kinh tế cũng khá giả hơn và hiểu được lợi ích của công trình mang lại”.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, với lợi thế của xã nằm gần Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ), đa số người trẻ đều có việc làm.
Những hộ không đi làm thì phát triển nghề gia công đan lục bình; nông dân trồng lúa, sầu riêng được mùa, được giá nên thu nhập ngày càng cao.
Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã là 30,83 triệu đồng/người/năm, đến nay là 41,11 triệu đồng/người/năm, tăng 10,28 triệu đồng/người.
Về đích sớm, không ngừng nâng chất tiêu chí
Nhiều người dân xã Phú Lộc trồng và phơi lục bình để gia công sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập. |
Là xã ngoài xã điểm NTM, nhưng xã Phú Lộc đã xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Thời điểm mới công nhận, có nhiều tiêu chí chỉ vừa đạt theo ngưỡng quy định,
đến năm 2016 thì chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bước sang giai đoạn II (2016- 2020), có nhiều tiêu chí tăng về tỷ lệ, nội dung thực hiện đã đặt ra yêu cầu đối với xã là cần phải nỗ lực để nâng chất các tiêu chí.
Theo đánh giá của bà Vương Thị Thu Hương- Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tính đến cuối tháng 7/2018, Phú Lộc trở thành xã đầu tiên trong 20 xã đã được phúc tra- đã giữ vững và nâng chất 19/19 tiêu chí theo chuẩn mới giai đoạn 2016- 2020.
Trong khi đó, hầu hết các xã được phúc tra bị giảm từ 1- 10 tiêu chí, điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã.
Từ một địa phương có 100% lao động nông nghiệp, đến nay nhờ đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, đời sống nhân dân xã Phú Lộc ngày càng phát triển, tỷ lệ lao động có việc làm 96,9%; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng trên 81%; tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 99,9%. |
“Xác định việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM là rất khó và việc giữ vững càng khó hơn”- Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Phú Lộc Trần Công Khánh chia sẻ- “Vì vậy ngay từ đầu năm, BCĐ đã triển khai kế hoạch, lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện.
Đảng ủy xã cũng xác định các tiêu chí đạt còn thấp cần tập trung nâng chất và đẩy mạnh công tác phòng ngừa với các tiêu chí có thể bị giảm do yếu tố khách quan.
Ngoài ra, xã đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thực hiện các mô hình và khen thưởng, biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay, nhân rộng những điển hình tiêu biểu để tạo sự lan tỏa.
Song, ông Trần Công Khánh cũng lo ngại vì việc nâng chất các tiêu chí vẫn còn bị tác động bởi yếu tố khách quan như tiêu chí quốc phòng và an ninh, sau khi được đoàn phúc tra công nhận xã giữ vững 19/19 tiêu chí thì xã lại xảy ra vụ trọng án nên bị giảm tiêu chí này.
Qua đi thực tế, tuy bức tranh NTM xã Phú Lộc chưa được hoàn hảo như mong đợi nhưng chúng tôi cũng nhìn nhận được sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân xã trong việc nâng chất các tiêu chí mà tiêu biểu nhất là đã làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày một đẹp hơn và đem lại cho nhân dân đời sống sung túc hơn.
Phú Lộc là xã có vị trí đặc biệt về chiến lược quân sự, địa bàn xung yếu, quân và dân xã Phú Lộc luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng- kiên cường chiến đấu giành lại độc lập dân tộc và lập nhiều thành tích xuất sắc. Trong chiến tranh, toàn xã Phú Lộc có 12 cơ sở gia đình cách mạng, 97 cơ sở gia đình kháng chiến, 150 người tình nguyện đi bộ đội, 244 người làm du kích, 60 người tham gia dân công hỏa tuyến. Có 52 liệt sĩ chống Pháp, 16 thương binh, 2 bệnh binh, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đóng góp 6.200 tấn lương thực, 20 chỉ vàng, 10 vạn tiền Đông Dương cho cách mạng. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Xã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2016. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin