Ứng phó lũ lên nhanh

09:09, 04/09/2018

So với cùng kỳ năm 2017, lũ về sớm và hiện cao hơn cả mét nước. Theo dự báo, đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu sông và khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên đều có thể ngang và vượt qua mức báo động (BĐ) 3.

 

So với cùng kỳ năm 2017, lũ về sớm và hiện cao hơn cả mét nước. Theo dự báo, đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu sông và khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên đều có thể ngang và vượt qua mức báo động (BĐ) 3. Bảo vệ an toàn sản xuất vụ thu đông, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân là những ưu tiên hàng đầu trước diễn biến lũ lên nhanh, phức tạp.

 Người dân ngoài vùng đê bao thu hoạch lúa chạy lũ
Người dân ngoài vùng đê bao thu hoạch lúa chạy lũ

Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3

Hơn 70 năm sinh sống ở khu vực bờ Đông kênh Bảy Xã, từng chứng kiến nhiều lần lũ lớn nhưng ông Nguyễn Văn Vẹn (ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) vẫn bất ngờ trước diễn biến lũ năm nay. “Nhìn con nước “quay” (nước trộn lẫn phù sa) hồi cuối tháng 5 (âm lịch), chúng tôi dự đoán lũ năm nay chắc chỉ ngang hoặc cao hơn chút đỉnh so với năm 2017. Vậy mà sang giữa tháng 6 (âm lịch), nước bắt đầu đổ về nhanh, tràn lên đồng. Chưa đến rằm tháng 7, nước đã ngập lênh láng, nhìn ra đồng không còn thấy bờ đê, cây cỏ. Theo tôi nghĩ, lũ năm nay không thua năm 2000, thậm chí là tương đương với năm Thìn lũ lụt (1976)” -ông Vẹn đánh giá.

Nhận xét của lão nông này là có cơ sở khi mà mới cách đây khoảng 3 tuần, Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh An Giang còn đưa ra dự báo “Đỉnh lũ năm nay tại Tân Châu, Châu Đốc khả năng ở mức xấp xỉ BĐ2 (BĐ2 tại Tân Châu là 4m, Châu Đốc 3,5m), xuất hiện trong nửa đầu tháng 10. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên (TGLX): đỉnh lũ năm có khả năng ở mức xấp xỉ BĐ2 (BĐ2 tại Xuân Tô 3,5m, Tri Tôn 2,4m), xuất hiện vào giữa tháng 10.

Ở vùng hạ lưu sông, mực nước sẽ lên cao nhất vào tháng 10, 11, có khả năng ở mức BĐ3 tại Chợ Mới (3m), vượt BĐ3 từ 0,05-0,15m ở Long Xuyên (BĐ3 ở Long Xuyên là 2,5m)”. Tuy nhiên, mới cuối tháng 8, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đã mấp mé BĐ2, trên sông Hậu tại Châu Đốc, trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô đều vượt BĐ2; mực nước ở Long Xuyên, Chợ Mới ngang BĐ3.

Giám đốc Đài KTTV tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, dự báo đến ngày 12-9, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,4m, Châu Đốc 3,9m, chỉ còn cách 0,1m so mức BĐ3. Sau đó, mực nước biến đổi chậm. Ở khu vực nội đồng TGLX, mực nước ngày 12-9 tại Xuân Tô có khả năng đạt 4m (ngang BĐ3), trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn lên mức 2,6m (cao hơn 0,2m so BĐ2). Ở vùng hạ lưu sông, mực nước sẽ lên cao trong đợt triều cường đầu tháng 8 (âm lịch) và kết hợp lũ thượng nguồn về.

Đến ngày 12-9, mực nước cao nhất tại Chợ Mới (rạch Ông Chưởng) khả năng ở mức 3,15m, tại Long Xuyên (sông Hậu) 2,65m, đều vượt 0,15m so mức BĐ3. Rủi ro thiên tai: cấp 3. “Tình hình lũ diễn biến phức tạp và có khả năng lên cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp và ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao xung yếu” - ông Ninh cảnh báo.

Sắp xếp lại dân cư ổn định

Đây là một trong những yêu cầu đặt ra nhằm ứng phó lũ lâu dài khi hiện nay, nước lũ đã gây ngập 1.700 căn nhà; nguy cơ sạt lở 2.716 căn nhà, trong đó có 1.300 căn nguy cơ sạt lở rất cao.

Trong chuyến thị sát và làm việc tại An Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương cũng lưu ý vấn đề bố trí lại dân cư theo hướng xa bờ sông, kênh, rạch, hạn chế gây áp lực sạt lở. Đồng ý với kiến nghị của tỉnh về ưu tiên bố trí cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho 1.300 hộ nguy cơ sạt lở rất cao, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương sẽ đề xuất ưu tiên vốn cho các công trình cấp bách này.

“Cần đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng cất nhà cặp bờ sông hoặc lấn ra sông. Đây là nguyên nhân cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường và tăng áp lực sạt lở” - ông Thắng lưu ý.

Đối với công tác ứng phó lũ, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá rất cao nỗ lực của An Giang. “Phần lớn diện tích lúa thiệt hại là do người dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Đối với diện tích sản xuất vụ thu đông nằm trong vùng đê bao, cần lên phương án ứng phó cao nhất là đỉnh lũ vượt mức BĐ3 để chủ động gia cố bờ bao, cống bửng, tập trung phương tiện, lực lượng ứng trực bảo vệ” - ông Thắng nhắc nhở.

 Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư cho biết, nhận định tình hình thiên tai, bão lũ năm nay diễn biến phức tạp nên tỉnh đã lên phương án ứng phó từ đầu năm. Đối với vụ thu đông 2018, tỉnh cùng các địa phương đã thống nhất lên kế hoạch xả lũ hơn 10.000ha, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không xuống giống ở những vùng đê bao không đảm bảo.

“Tuy nhiên, vẫn có những hộ tranh thủ xuống giống theo kiểu “ăn may” ngoài đê bao, bị thiệt hại nặng khi lũ lên nhanh. Các địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân gia cố đê bao và thu hoạch lúa chạy lũ” - ông Thư thông tin.

Đối với những hộ dân vùng ngập lũ và có nguy cơ sạt lở, tỉnh đã rà soát, bố trí vào các cụm, tuyến dân cư hiện có cũng như ưu tiên bố trí vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2. “Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, Trung ương cần có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là ưu tiên tạo quỹ đất, miễn giảm thuế, vốn tín dụng…” - ông Thư đề xuất.

Theo Báo An Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh