Đợt triều cường đầu tháng 8 âl đã làm nhiều tuyến bờ bao ở huyện Bình Tân bị tràn, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái ngập nước. Bên cạnh việc thi công gia cố chống tràn thì người dân đã phải bơm tát chống úng, bảo vệ sản xuất.
Đợt triều cường đầu tháng 8 âl đã làm nhiều tuyến bờ bao ở huyện Bình Tân bị tràn, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái ngập nước. Bên cạnh việc thi công gia cố chống tràn thì người dân đã phải bơm tát chống úng, bảo vệ sản xuất.
Thi công gia cố bờ bao tại ấp Hưng Thuận (xã Tân Hưng). |
Ghi nhận vào sáng 11/9 (nhằm ngày 2/8 âl), triều cường khiến cho một đoạn đường đan dân sinh, bờ bao đã bị bể, tràn nước.
Chú Tư Dũng (ở ấp Hòa An, xã Nguyễn Văn Thảnh) cho biết đoạn đường đan khu vực cầu Bờ Khóm bị tràn gây khó khăn cho việc đi lại và đe dọa đến diện tích khoai lang trong khu vực.
Mặc dù đã được đắp đất ngăn nước những người dân vẫn chưa thể an tâm vì nước ngoài kinh còn khá cao, mực nước chênh lệch lớn quá nên lo bể bờ nữa.
Triều cường cũng đã làm tràn bờ bao khiến vườn cam của chú Tám Sĩ (ở ấp Thành Hóa, xã Thành Trung) bị ngập.
Đang chạy máy bơm cứu vườn cam, chú Tám Sĩ cho hay nước lên tràn bờ bao đã vài ngày nay, 5 công cam bị ngập. Mỗi ngày nước tràn 2 lần nên chú phải bơm liên tục để vườn cam không bị úng rễ.
Nhiều hộ dân trồng khoai lang ở ấp Hưng Thuận (xã Tân Hưng) thì đang rầu thúi ruột vì triều cường cũng khiến nhiều đoạn bờ bao nơi đây bị tràn nước gây ngập ruộng khoai.
Đang bơm nước chống úng cho ruộng khoai, anh Nguyễn Văn Thạnh cho biết, nước đã tràn bờ bao mấy ngày qua, gây ngập 20 công khoai lang, người dân phải chạy máy bơm nước ra liên tục để cứu khoai.
Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Văn Phong cho biết đã thức trắng đêm để canh con nước, chạy máy bơm chống úng cứu ruộng khoai.
Hiện phương tiện cơ giới được huy động để gia cố đê bao này nhưng anh Phong và nhiều hộ dân nơi đây chưa thể an tâm vì khu vực này có nhiều đoạn bị tràn, gia cố không đồng bộ sẽ khó bảo vệ sản xuất.
Toàn xã Tân Hưng hiện có 228ha lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, hơn 1.186ha khoai lang vụ Thu Đông, nâng tổng diện tích xuống giống lên trên 3.382ha, đến nay thu hoạch 2.179ha. Bên cạnh là 28ha dưa hấu, 61ha rau màu các loại, 27,5ha cây ăn trái.
Theo ông Lê Văn Khoa- Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, xã đã triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai đến ban chỉ huy xã, ấp, phân công trực 24/24 khi có bão lũ xảy ra.
Hiện xã đang tập trung chỉ đạo gia cố các tuyến đê bao xuống cấp để bảo vệ lúa Thu Đông và diện tích màu chưa thu hoạch tránh bị thiệt hại, đôn đốc thi công nạo vét các công trình thủy lợi, đồng thời vận động nhân dân xả lũ để tạo phù sa cho đất, tiêu diệt mầm bệnh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, toàn huyện hiện có 1.000ha lúa cần bảo vệ do bờ bao xuống cấp. 1.225ha khoai lang non, 945ha hoa, rau màu các loại cần được bơm tát chống úng.
Bình Tân hiện có 1.824ha cây ăn trái thuộc ở nơi kém an toàn và 281ha thuộc khu vực ngập hàng năm nằm ngoài bờ bao ven sông Hậu và các kinh trục chính, nơi đây lại không có hệ thống kinh tiêu lớn để bơm tát tập trung nên có nguy cơ ảnh hưởng lũ.
Thực hiện chủ trương xả lũ để tăng độ phì cho đất, vệ sinh đồng ruộng, tháo phèn, làm rửa trôi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn trên đồng, từ năm 2017, các xã đã triển khai xả lũ tập trung ở các khu vực sản xuất khoai lang, dưa hấu, lúa.
Theo đánh giá thì việc xả lũ bước đầu đã đem lại nhiều kết quả khả quan, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, đến nay đã có 9/11 xã trong toàn huyện thực hiện xả lũ trên diện tích 6.060ha.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nông dân còn sản xuất tự phát, không theo lịch thời vụ, vườn cây ăn trái đan xem trong khu vực sản xuất rau màu nên gây khó cho việc xả lũ.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả xả lũ, huyện Bình Tân chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND các xã rà soát, khảo sát các khu vực để xây dựng kế hoạch xả lũ theo từng khu vực ô bao, tiến tới xả lũ trên toàn địa bàn. Riêng đối với các khu vực sản xuất rau màu chuyên canh thì vận động 1- 2 năm xả lũ 1 lần.
Bài, ảnh: THÀNH LONG- NGUYÊN KHÁNH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin