Chủ động ứng phó lũ lớn

05:09, 07/09/2018

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT tổ chức 3 đoàn đến làm việc với các huyện- thị trong tỉnh về công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, dân sinh vào cao điểm mùa mưa, bão lũ. Qua đó, khuyến cáo các địa phương không lơ là và cần chủ động các phương án ứng phó lũ lớn.

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT tổ chức 3 đoàn đến làm việc với các huyện- thị trong tỉnh về công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, dân sinh vào cao điểm mùa mưa, bão lũ. Qua đó, khuyến cáo các địa phương không lơ là và cần chủ động các phương án ứng phó lũ lớn.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh khảo sát tình hình sạt lở ở đê bao Cồn Sừng (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).
Đoàn công tác Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh khảo sát tình hình sạt lở ở đê bao Cồn Sừng (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) huyện Mang Thít, đến thời điểm hiện tại hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn, chưa bị ảnh hưởng của lũ năm 2018.

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dòng chảy, chân triều cường xuống thấp, kết hợp với mưa đầu mùa và nền địa chất yếu đã làm sạt lở 18 đoạn đê bao với tổng chiều dài gần 600m.

Để khắc phục sạt lở, ông Cao Thành Phước- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: Trước mắt, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện và xã đã gia cố các đoạn sạt lở với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, các điểm sạt lở đã được khởi công gia cố, chuẩn bị nghiệm thu hoàn toàn nhằm đảm bảo sản xuất an toàn trong mùa mưa, lũ.

Hiện tuyến đê bao sông Măng đã sạt lở nghiêm trọng, kém an toàn. Do đó, huyện kiến nghị nhanh chóng triển khai thi công công trình đê bao sông Măng (giai đoạn 2), đồng thời, nhanh chóng khắc phục các đoạn sạt lở đê bao đảm bảo việc đi lại và sản xuất.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện Vũng Liêm, hiện trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều khu vực sạt lở như: đoạn thuộc ấp Phong Thới dài 50m (thị trấn Vũng Liêm), tuyến lộ nhựa Tân Huy- Quang Huy (xã Hiếu Phụng) dài 91m, làm ảnh hưởng đến 6 căn nhà, đoạn đê bao Tạch Dung- Quang Đức (xã Trung Chánh) dài 295m, tuyến đê bao sông Bang Tra 2 (xã Thanh Bình và Quới Thiện) dài 300m...

Hiện các tuyến sạt lở này đang được tiến hành khắc phục, riêng đoạn sạt lở ấp Phong Thới chờ dự án đầu tư của tỉnh.

Huyện Vũng Liêm còn có 9 đê bao với tổng chiều dài 38,7km xuống cấp, nước tràn cục bộ, trong đó có 46 đoạn với tổng chiều dài trên 1.300m có nguy cơ sạt lở, kém an toàn khi lũ lớn.

Sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Thời gian qua, đoạn đê bao ở ấp Quang Huy (xã Hiếu Phụng) đã sạt lở gần 300m, gây ảnh hưởng 6 căn nhà.

Ông Lê Hoàng Tôi- một trong những hộ dân có đất bị ảnh hưởng do sạt lở- lo lắng: “Đoạn sạt lở khiến một phần đường đã đổ ụp xuống sông, hàng rào trước cửa nhà tôi cũng bị nứt nhiều. Chỉ mong đoạn đê bao sớm được gia cố, sửa chữa nhanh chóng để người dân nơi đây an tâm hơn”.

Do hầu hết các xã đã xuống giống đồng loạt theo kế hoạch nên lúa Thu Đông không ảnh hưởng nhiều do lũ.

Tuy nhiên, lúa Thu Đông ở 3 xã Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Tân An Luông vừa xuống giống bị ảnh hưởng bởi mưa kéo dài, triều cường gây thiệt hại 138,6ha.

Riêng vụ màu Thu Đông còn trên 200ha chưa thu hoạch, nếu lũ lớn sẽ có khả năng diện tích màu còn lại bị ảnh hưởng ở những nơi màu luân canh dưới ruộng, tập trung chủ yếu ở các xã Hiếu Nhơn, Hiếu Thành, Trung Thành Tây.

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cho biết: Thời gian qua, huyện cũng đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ” cũng như huy động sự đóng góp của người dân trong việc gia cố các công trình thủy lợi.

Hướng tới, để bơm tát chống ngập úng cho vụ Đông Xuân 2018- 2019, huyện hỗ trợ 12 máy bơm dầu D12 và 7 máy bơm điện cho các xã và tận dụng trên 8.000 máy bơm trong dân.

Huyện cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án của tỉnh đầu tư, hỗ trợ thêm kinh phí để nâng cấp sửa chữa 21 đoạn đê bao và mặt đập xuống cấp có khả năng sạt lở ở 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện.

Ông Nguyễn Vương Khanh- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh- cho biết: Bên cạnh 165ha lúa ở xã Đông Bình cần được bảo vệ, hiện địa phương lo lắng nhất là tình hình sạt lở ở đê bao Cồn Sừng (xã Mỹ Hòa) với hàng chục hecta bưởi, trong khi khu này địa chất yếu và hiện nơi đây đã có 4 điểm sạt lở.

Nhiều khả năng nước triều cường 30/7 âl sắp tới có nguy cơ vỡ đoạn đê này. Diện tích cồn Sừng khá lớn, đa số chủng loại cây ăn trái lâu năm, trong đó bưởi Năm Roi chiếm hơn 90% diện tích.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, huyện còn 3.200ha lúa đang giai đoạn trổ và khoảng 4.500ha khoai lang (trong đó, khoảng 2.000ha chưa đến thời điểm thu hoạch) cần được bảo vệ.

Còn theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện Long Hồ, đến nay huyện đã thi công hoàn thành 13/15 công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, các xã và nhân dân đóng góp đã thực hiện 6 công trình.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 điểm sạt lở lớn, trong đó có một số điểm sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh và 7 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở. Huyện Long Hồ kiến nghị hỗ trợ gia cố trước các đoạn có nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ sản xuất.

Riêng tại Tam Bình, từ đầu năm đến nay đã xảy ra sạt lở 49 đoạn bờ bao dài tổng cộng 912m và 3 vùng sản xuất kém an toàn với lũ dài tổng cộng khoảng 9.000m.

Qua làm việc, huyện Tam Bình cũng kiến nghị tỉnh sớm triển khai nâng cấp bờ bao sông Măng Thít, đê bao Cái Ngang, bờ bao Đông Hậu- Đông Phú (xã Ngãi Tứ) vì hiện nay các tuyến này sạt lở nhiều đoạn.

Qua khảo sát thực tế và là việc với các địa phương, lãnh đạo Sở Nông nghiệp- PTNT đề nghị các địa phương cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống lũ lớn, gia cố đê bao ở những đoạn xung yếu, xảy ra sạt lở, rà soát phương án phòng chống thiên tai, có giải pháp ứng phó kịp thời,

tăng cường tuyên truyền đến người dân chủ động trong công tác phòng chống lũ, chủ động bảo vệ an toàn cho sản xuất và dân sinh.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, trong tháng 8, toàn tỉnh xảy ra 36 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 1.485m bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng 7 hộ dân. Ước thiệt hại khoảng 4,1 tỷ đồng.

Nếu tính từ đầu năm đến nay thì sạt lở xảy ra 171 điểm; gió mạnh, mưa lớn, triều cường và sạt lở đã gây hư hỏng 264 căn nhà; thiệt hại về nông nghiệp trên 480ha; ảnh hưởng 1,12ha thủy sản, 3,68km công trình thủy lợi; thiên tai cũng làm 2 người chết và 2 người bị thương. Ước tổng thiệt hại là 20,4 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ khắc phục 3,9 tỷ đồng.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh