Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần tích cực thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội về các lĩnh vực việc làm (VL), quản lý lao động (LĐ) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì truyền thông về các lĩnh vực này còn bộc lộ một số hạn chế.
TS. Trần Bá Dung- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trao đổi với báo chí tại hội nghị truyền thông về việc làm. |
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần tích cực thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội về các lĩnh vực việc làm (VL), quản lý lao động (LĐ) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì truyền thông về các lĩnh vực này còn bộc lộ một số hạn chế.
Mổ xẻ nguyên nhân và tìm cách nâng cao hiệu quả truyền thông về các lĩnh vực này là vấn đề rất đáng quan tâm, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa- cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Khó có tác phẩm báo chí hay?
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội- Nguyễn Thị Hà, trong những năm qua, công tác truyền thông về các lĩnh vực VL, quản lý LĐ, BHTN ở nước ta đã có những đóng góp đáng kể, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác truyền thông về các lĩnh vực nàyvẫn còn nhiều hạn chế. Một phần do truyền thông về lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhận thức của một số doanh nghiệp, người LĐ, người dân ở một số khu vực còn mờ nhạt hoặc chưa đầy đủ…
TS. Trần Bá Dung- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trước hết, cần khẳng định, truyền thông về VL, quản lý LĐ và BHTN là truyền thông chính sách. Trong truyền thông chính sách, báo chí có vai trò quan trọng, đi đầu và ảnh hưởng phổ biến nhất.
Thực tế, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về đầu tư, phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội đã được người dân góp ý, phản biện rộng rãi, tích cực.
Chẳng hạn, các dự thảo chính sách: nâng tuổi nghỉ hưu, cải cách chính sách tiền lương, xuất khẩu nông sản, nhập khẩu ô tô, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thuế tài sản… đều được người dân, doanh nghiệp, chuyên gia phản biện tích cực. Nhiều chính sách đi vào thực thi có những bất cập được phản biện thông qua báo chí và đã được nhà nước điều chỉnh kịp thời.
Đồng thời, báo chí đã phát hiện những địa chỉ lợi dụng sơ hở của chính sách đấu tranh phê phán và đưa ra ánh sáng công luận, ngăn chặn những hành vi làm thiệt hại lợi ích của người LĐ, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.
Theo TS. Trần Bá Dung, viết về lĩnh vực VL rất khó để có nhiều tác phẩm báo chí hay. Bởi lẽ, lĩnh vực này rất khó viết hay, có sức công phá lớn về mặt thông tin như các lĩnh vực công an, tài chính, tham nhũng, đất đai...
TS. Trần Bá Dung phân tích, khó khăn đầu tiên thuộc về chủ quan như trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề… của chính các nhà báo. “Nhiều bạn thấy sao viết vậy, không tiếp cận từ toàn diện, tổng thể rồi đi tìm minh chứng nên không có sức khái quát, tiếp cận thông tin không đầy đủ dẫn đến phiến diện…”.
Theo TS. Trần Bá Dung, người làm báo cần xác định rõ, VL, quản lý LĐ và BHTN có vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, là tiền đề và điều kiện thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Hơn nữa, nước ta có những chính sách đặc biệt khác so các nước, như chính sách ưu đãi xã hội đối với đền ơn đáp nghĩa chẳng hạn.Như vậy, không bao giờ thiếu đề tài để viết.Khó khăn thứ 2 là về thu thập và xử lý thông tin về VL, quản lý LĐ và BHTN… Nhiều cơ quan báo chí không quan tâm đúng mức lĩnh vực này do không thu hút được quảng cáo, không tăng lượt “like”...
Mặt khác, thông tin chính sách là thông tin mở, việc biến cái công khai đó trở nên hấp dẫn không dễ. Trong khi, việc nắm bắt thông tin phản hồi còn nhiều bất cập bởi việc tiếp cận “thông tin có trách nhiệm” (tin đầu nguồn, thông tin chính xác) về các lĩnh vực này, nhất là phối hợp giải quyết những điểm nóng, những vấn đề dư luận bức xúc càng không dễ.
Tạo sức công phá thông tin
Ông Nguyễn Văn Hùng- Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ: Nước ta hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, với trên 1000 ấn phẩm, hàng trăm báo, tạp chí điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử tổng hợp tạo nên sức lan tỏa vô cùng lớn.
Tuy nhiên, trong dòng chảy truyền thông chịu hệ lụy mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác, chủ đề VL, quản lý LĐ và BHTN rất được quan tâm nhưng cũng bị chi phối theo hai hướng tích cực và tiêu cực… Báo chí cần phải khai thác và chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác chủ trương, chính sách.
Đồng thời, sớm đưa thông tin bác bỏ, phối hợp với cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí kịp thời định hướng dư luận, giải quyết nhận thức tư tưởng cho xã hội về những nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm...
Lao động làm việc tại Công ty CP Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Vĩnh Long. |
Trong thời đại toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại những cơ hội VL có năng suất cao hơn. Bên cạnh những thuận lợi cũng có những thách thức không nhỏ về nguy cơ mất VL, nhất là đối với LĐ phổ thông.
Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong giải quyết VL cho người LĐ như: chất lượng việc làm chưa cao, tính bền vững, ổn định trong việc làm còn thấp. Đặc biệt, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường đang là một thách thức không nhỏ đối với nước ta trước thực trạng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học không có VL.
Theo TS. Trần Bá Dung, muốn truyền thông có hiệu quả, người làm báo cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề về an sinh xã hội, để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc.
Mặt khác, cần nhận thức báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng. Báo chí cần thực hiện kết hợp những kỹ năng sau: tuyên truyền, phản ánh, phản biện, nêu gương.Hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lý tiếp nhận của người LĐ, người sử dụng LĐ.
Nâng cao được nhận thức, sự biểu biết về chính sách VL, quản lý LĐ, chính sách bảo hiểm sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về VL, bảo hiểm cho người LĐ.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách như: Đề án cải cách về tiền lương, bảo hiểm xã hội... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí cung cấp những thông tin cập nhật về lĩnh vực VL, quản lý LĐ, BHTN, góp phần tổ chức thực hiện chính sách phù hợp với tình hình hiện nay, thực hiện tốt hơn đến người LĐ… |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin