Với sự kiện Vĩnh Long đăng cai tổ chức hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT- TT) với chủ đề "Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho ĐBSCL",...
Với sự kiện Vĩnh Long đăng cai tổ chức hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT- TT) với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho ĐBSCL”; phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cũng là Trưởng BCĐ CNTT để tìm hiểu nhanh về việc phát triển CNTT và định hướng của Vĩnh Long trong phát triển CNTT tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời. |
* Thưa ông, ông vui lòng cho biết một số kết quả nổi bật về ứng dụng CNTT của Vĩnh Long đạt được trong thời gian qua?
- Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP, năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và một số văn bản chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả nổi bật như:
Tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đến 100% các cơ quan hành chính trên toàn tỉnh và đã kết nối liên thông với hệ thống thông tin quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ.
Qua đó, 100% văn bản điện tử luân chuyển giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đều được ký số.
Bên cạnh đó, tỉnh vận hành chính thức Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử hiện đại cấp huyện, cấp xã để phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp, góp phần rút ngắn thời gian, công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Về dịch vụ công trực tuyến: hiện tại tỉnh cung cấp 29 dịch vụ mức độ 4; 442 dịch vụ mức độ 3; 1337 dịch vụ công mức 1 và mức 2.
Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thiện nhiều cơ sở dữ liệu để phục vụ trong quản lý cũng như tra cứu chuyên ngành như: cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở dữ liệu nền doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; phần mềm số hóa hồ sơ người có công với cách mạng.
Riêng về phát triển du lịch cũng như quảng bá hình ảnh của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước, tỉnh cũng đã thiết lập Cổng thông tin du lịch Vĩnh Long, song song với vận hành phần mềm Du lịch thông minh trên thiết bị điện thoại thông minh.
* Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT- TT Việt Nam lần thứ 22 năm 2018 được tỉnh ta đăng cai tổ chức với nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển CNTT ĐBSCL, Vĩnh Long sẽ quan tâm đến vấn đề nào chủ yếu?
- Với chủ đề hội thảo năm nay “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho ĐBSCL”, các tỉnh ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng, chủ yếu là làm về nông nghiệp. Do đó, ngoài xây dựng chính quyền điện tử thì Vĩnh Long quan tâm đến các giải pháp công nghệ mới cho nông nghiệp, nông thôn và biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn.
* Hội thảo lần này đóng vai trò quan trọng thế nào đối với các tỉnh nói chung và Vĩnh Long trong việc định hướng phát triển CNTT, tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0, thưa ông?
- Đây là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ góp phần xây dựng chính quyền điện tử thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh cho các tỉnh nói chung và đặc biệt là giải pháp công nghệ mới cho nông nghiệp của Vĩnh Long nói riêng.
Ngoài ra, thông qua hội thảo này, chúng ta tiếp tục quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo sự thu hút mạnh mẽ cho phát triển du lịch của tỉnh nhà.
* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
TẤN ANH (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin