Cách mạng Tháng Tám ở Vĩnh Long- ý chí và niềm tin của nhân dân làm nên chiến thắng

08:08, 22/08/2018

Như chúng ta biết, sáng 9/3/1945, phát xít Nhật bắt đầu làm đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương và phát xít Nhật bắt đầu thi hành nhiều chính sách tàn bạo để phục vụ cho chiến tranh, buộc nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, vơ vét nguyên- vật liệu, lương thực- thực phẩm, cung ứng cho bộ máy chiến tranh của phát xít Nhật. Nhân dân ta chịu một cổ, hai tròng với bao cảnh khốn cùng của Nhật và Pháp.

Như chúng ta biết, sáng 9/3/1945, phát xít Nhật bắt đầu làm đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương và phát xít Nhật bắt đầu thi hành nhiều chính sách tàn bạo để phục vụ cho chiến tranh, buộc nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, vơ vét nguyên- vật liệu, lương thực- thực phẩm, cung ứng cho bộ máy chiến tranh của phát xít Nhật. Nhân dân ta chịu một cổ, hai tròng với bao cảnh khốn cùng của Nhật và Pháp.

Nhà Bảo tàng tỉnh ngày nay là nơi thực dân Pháp từng chọn đặt bộ máy cai trị.
Nhà Bảo tàng tỉnh ngày nay là nơi thực dân Pháp từng chọn đặt bộ máy cai trị.

Vĩnh Long sau ngày Nhật đảo chính Pháp

Ở Vĩnh Long lúc bấy giờ, chính sách do phát xít Nhật thi hành, nhân dân sống trong cảnh thiếu lương thực- thực phẩm, thuốc men… gay gắt; lưu thông buôn bán bị tê liệt trên toàn tỉnh lỵ Vĩnh Long. Đồng bào nhiều nơi thiếu gạo phải ăn độn rau, khoai

. Nhiều người phải mặc bố tời thay vải. Bấy giờ ở Phường 1 và vùng phụ cận tỉnh lỵ Vĩnh Long, bệnh dịch lan rộng do thiếu lương thực- thực phẩm trầm trọng, nhân dân phải ăn nhiều loại rau nhiễm khuẩn.

Thời điểm này cũng là lúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ về Vĩnh Long hành nghề luật sư và giúp đỡ nhân dân nghèo về luật pháp.

Ngày 10/3/1945, phát xít Nhật tiến quân vào chiếm Nhà việc Long Châu (tại Phường 1), biến Trường Ecole Primaire thành căn cứ quân sự của chúng và lập bộ máy cai trị, ra sức tuyên truyền cho Học thuyết Đại Đông Á của Nhật và tổ chức các hội quần chúng làm hậu thuẫn chính trị như: Thanh niên Nhật- Việt, Phòng vệ đoàn, Nghĩa đạo thực hành đoàn, Võ sĩ đoàn,...

Tháng 5/1945, Tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời ở Vĩnh Long do bác sĩ Trương Ngọc Quế đứng đầu (gia đình bác sĩ ở đường Lê Văn Tám, Phường 1). Người lãnh đạo thực sự là đồng chí Lê Minh Hữu- Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Vĩnh Long, núp dưới danh nghĩa là Ủy viên BCH Thanh niên Tiền phong tỉnh. Tổ chức này đầu tiên được thành lập ở làng Long Châu, rồi lan ra toàn tỉnh, phát triển lên tới 7.000 đoàn viên.

Như vậy, tại vùng đất Phường 1, ngay từ sớm- khi cách mạng chưa nổ ra tại Nam Kỳ- đã có Tổ chức Thanh niên Tiền phong hoạt động mạnh và nhiều uy tín từ trong nhân dân, để đứng ra làm cuộc cách mạng tại tỉnh nhà.

Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt sau khi vượt ngục từ Bà Rá trở về địa bàn Vĩnh Long, đã gầy dựng lại phong trào, đang bị thực dân Pháp theo dõi, truy lùng gắt gao. Thế nhưng đồng chí đã tranh thủ những gia đình cách mạng nuôi chứa tại Phường 1 để bám trụ. Trước hết, đồng chí chỉ đạo khôi phục ngay chi bộ đặc biệt tại tỉnh lỵ.

Chi bộ ban đầu gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thiệt, Diệp Ngọc Côn, Phan Văn Sử, Khuất Duy Tri,... do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư, trực tiếp lãnh đạo Thanh niên Tiền phong tại tỉnh lỵ Vĩnh Long.

Chi bộ đặc biệt sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa về tỉnh lỵ Vĩnh Long ngày 24/8/1945, đã mở cuộc họp khẩn cấp vạch ra kế hoạch khởi nghĩa, trên toàn tỉnh lỵ Vĩnh Long (trong đó có Phường 1).

Các đoàn thể Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc của tỉnh ra đời lấy địa bàn Hộ 1 đứng chân. Thanh niên Tiền phong tổ chức người trong quân đội địch như: Ba Trọng, Đội Lợn, Đội Dự, Đội Thời,... tranh thủ tất cả mọi lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa đang kề cận.

Trong những cán bộ cốt cán tại tỉnh lỵ và Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc này, có sự tham gia của đồng chí Phan Văn Sử- một thanh niên yêu nước được du học từ Pháp, lấy bằng tú tài Pháp xong trở về quê hương hoạt động.

Hay như đồng chí Diệp Ngọc Côn, có quan hệ thân thiết với ông Bùi Huy Sắc- Chánh lục sự Tòa án tỉnh Vĩnh Long, ông Trần Văn Chiểu và ông Dương Văn Muôn cũng du học ở Pháp trở về hoạt động tại Phường 1...

Khí thế phong trào quần chúng đang sôi sục, sẵn sàng cho một biến cố lớn, để huy động đông đảo nhân dân cùng tham gia làm cách mạng.

Những ngày giành chính quyền ở Vĩnh Long

Ngày 22/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long mở hội nghị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Ngày 23/8, nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy tại quận Châu Thành, Chi bộ đặc biệt do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt chỉ đạo đã chọn lọc lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt của cuộc khởi nghĩa.

Đúng 7 giờ ngày 25/8/1945, một cuộc biểu tình rầm rộ với hàng vạn quần chúng xuống đường có lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu, diễu hành qua các đường phố chính rồi kéo vào Nhà việc Long Châu- nơi đóng trụ sở chính quyền quận Châu Thành (địa bàn Phường 1) để nghe hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa.

Quần chúng nhân dân, trong đó lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu có vũ trang, tay cầm cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm đã giương cao các biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu:

“Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”, đoàn biểu tình tụ tập ngay sân trụ sở chính quyền quận Châu Thành (tại địa bàn Phường 1) công bố Hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long, công bố các chính sách lớn về khởi nghĩa của Việt Minh, chính quyền tay sai thực dân dựng lên bị tê liệt trước khí thế nhân dân lên cao trào.

Trước việc nhân dân nhất tề đứng lên, Tỉnh trưởng Vĩnh Long Lương Khắc Nhạc buộc phải hạ vũ khí và giao chính quyền lại cho Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long và cho nhân dân. Đó là vào lúc 10 giờ ngày 25/8/1945, nhân dân tỉnh lỵ Vĩnh Long đã thay mặt cả tỉnh tiếp nhận chính quyền cách mạng về tay nhân dân.

Sáng 27/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long đến nhà dây thép (Bưu điện trung tâm tỉnh Vĩnh Long tại Phường 1)- nơi đặt trụ sở quân Nhật- thương thuyết với tên quan tư Nhật, buộc chúng phải đầu hàng, trao trả tất cả vũ khí về cho cách mạng.

Ngày 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức cuộc mít tinh lớn gồm hàng vạn người tập trung ở sân vận động Vĩnh Long (nằm giữa 4 con đường Pasquier- Hoàng Thái Hiếu, Saint Enfance- Trưng Nữ Vương, Petrus Ký- Nguyễn Thị Minh Khai và Catidelle- Hưng Đạo Vương), nay là khu vực xung quanh nhà làm việc của UBND tỉnh Vĩnh Long, thuộc địa bàn Phường 1.

Từ sáng sớm, hàng ngàn người từ nội ngoại ô thị xã tập hợp về sân banh, đoàn người trải dài đến trụ sở nhà việc Long Châu. Cờ đỏ sao vàng bay rợp trời, băng rôn, khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng được giăng rất nhiều trước khán đài. Nhiều đường phố tại Phường 1 được nhân dân tỉnh lỵ Vĩnh Long ủng hộ, huy động đông đảo bà con nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Tại cuộc mít tinh này, Ủy ban Hành chánh lâm thời tỉnh Vĩnh Long ra mắt, gồm: ông Nguyễn Văn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Trương Ngọc Quế làm Phó Chủ tịch, ông Phan Văn Sử làm Tổng Thư ký. Lần đầu tiên kể từ khi Pháp chiếm Vĩnh Long năm 1867, sau gần 90 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân.

Ngay từ đầu, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Trong đó, ngày 26/8/1945, Cộng hòa Vệ binh thành lập với 400 người, do ông Trần Văn Lợn (thầy giáo, dân gian còn gọi là Đội Lợn) làm chỉ huy trưởng, và 2 cấp phó là Đội Đủ và Đội Phán, huấn luyện cấp tốc 15 ngày để tham gia. Đồng chí Phạm Ngọc Hưng là người xã Quới Thiện (sau là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 9) phụ trách huấn luyện quân sự.

Đơn vị được trang bị gần 100 súng các loại, như súng mút, súng Indochinois,... Mỗi huyện- thị đều lập một đơn vị vũ trang, quân số cỡ một trung đội. Đồng thời, lập một tiểu đội Quốc gia Tự vệ cuộc để trấn áp bọn ác ôn phản cách mạng và đứng đầu Quốc gia Tự vệ cuộc là đồng chí Lê Văn Nhựt (Tú tài Nhựt).

Mục đích củng cố Mặt trận Việt Minh để tiến hành thành lập các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công giáo, Phật giáo của tỉnh, nằm trên địa bàn tỉnh lỵ Vĩnh Long, chuẩn bị cho tham gia vào sự nghiệp giữ chính quyền sau ngày tổng Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công.

Khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân TX Vĩnh Long khi đó và cả tỉnh Vĩnh Long nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân, là sự chỉ đạo kiên quyết, chớp thời cơ của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long.

Đi từ không đến có; từ lực lượng, tổ chức còn thô sơ đi đến tổ chức thật chặt chẽ, và điều mà đến nay còn vang vọng mãi, là từ ý chí và sức mạnh của nhân dân đã làm nên lịch sử. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, kể từ khi nhận được chỉ thị của Trung ương, nhân dân Vĩnh Long đã nhất tề đứng dậy giành toàn thắng.

Bài, ảnh: ThS. PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh