Không chỉ có cầu quay, cầu rồng, mới đây Đà Nẵng tiếp tục giới thiệu cây cầu Vàng đi bộ với thiết kế độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ có cầu quay, cầu rồng, mới đây Đà Nẵng tiếp tục giới thiệu cây cầu Vàng đi bộ với thiết kế độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ở miền Tây Nam Bộ cũng như Vĩnh Long bên sông Tiền, bên sông Hậu nên bến nước, cây cầu luôn gắn bó với đời sống người dân.
Những cây cầu khỉ, cầu dừa thân thương đến nỗi không còn đơn giản là chỉ để “qua sông, qua rạch” mà đã trở thành niềm thương nỗi nhớ trong mỗi con người và đi vào thơ ca.
Cây cầu chính là nơi gặp gỡ của đôi lứa: “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta. Đêm trăng sáng, trên cầu anh thổi sáo. Đêm trăng sáng, chân cầu em giặt áo…” Mà đã yêu nhau, nào sá chi vài cây cầu lắt lẻo, anh chỉ mong “phải chi lấy được vợ vườn/ tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang”.
Bởi cô gái chung tình như vầy: “Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu/ Một ngày ba bận ra cầu đứng trông” nên dẫu có lúc xao lòng, vẫn luôn ghi nhớ “cầu nào cao bằng cầu danh vọng/ nghĩa nào trọng bằng nghĩa tào khang”, rồi ước sao cho “cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn/ sông Ngân hà mãi mãi không phai”.
Cây cầu như đường đời trắc trở, nên người mẹ ru con bằng tất cả nỗi niềm: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học mẹ đi trường đời”. Và cũng là bài học ở đời cần ghi nhớ: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Trong cuộc đời, cũng biết bao chiếc cầu mộng mơ, lãng mạn khiến người đi xa luôn muốn trở về như “Cầu Tràng Tiền sáu vai mười hai nhịp/ Thương nhau rồi xin kịp về mau”. Hay cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ nối đôi bờ sông Tiền, sông Hậu còn thể hiện khát khao nước non liền một dải hàng trăm năm qua, nên được ví như “cung đàn mùa xuân” trên sông nước.
Dẫu là cây cầu ảo (cầu Ô Thước, cầu dải yếm) hay cây cầu thật, qua hàng ngàn năm, đều cho thấy rằng: hoàn toàn không chỉ có duy nhất giá trị sử dụng là để qua sông mà cây cầu còn là nét độc đáo của văn hóa miền sông nước.
Cũng vì vậy, mong rằng mỗi khi xây dựng một cây cầu, xin hãy đặc biệt chú trọng đến việc “tạo dựng hình ảnh” thật đặc biệt, thật đặc trưng ở mỗi địa phương, mỗi vùng đất, sao cho người miền sông nước có thể tràn đầy tự hào về cây cầu nối nhịp bờ quê.
PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin