Rà soát bài thi THPT Quốc gia: Quy trình chấm thẩm định phải làm giống như chấm lần đầu

07:07, 22/07/2018

Tính đến hôm nay (22/7) Bộ Giáo dục - Đào tạo đã triển khai 6 tổ công tác rà soát và chấm thẩm định bài thi THPT Quốc gia 2018 (Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre) trước những nghi vấn gian lận điểm thi. Vậy quy trình chấm thẩm định điểm thi sẽ như thế nào?

Tính đến hôm nay (22/7) Bộ Giáo dục - Đào tạo đã triển khai 6 tổ công tác rà soát và chấm thẩm định bài thi THPT Quốc gia 2018 (Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre) trước những nghi vấn gian lận điểm thi. Vậy quy trình chấm thẩm định điểm thi sẽ như thế nào?

Sau quá trình chấm thẩm định điểm thi, các tổ công tác đã phát hiện ra các vụ việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La; phát hiện một số bài thi ngữ Văn chấm chưa hoàn toàn chính xác tại Lạng Sơn. 

Ông Trần Văn Nghĩa. Ảnh: TL
Ông Trần Văn Nghĩa. Ảnh: TL

Báo Tin tức có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo) về quy trình chấm thẩm định này.


Thưa ông, xin ông cho biết quy trình chấm thẩm định sẽ diễn ra như thế nào?

Chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Cụ thể, trong một kì thi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định. Trong đó, có thể nói chấm Thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ GD-ĐT có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi.

Thực tế, gần như năm nào chúng ta cũng tổ chức chấm thẩm định, chúng ta có thể lựa chọn một số tỉnh để chấm thẩm định. Tất nhiên là trên cơ sở phân tích dữ liệu thi và dựa theo những tiêu chí nhất định.

Thông thường, chúng ta có thể chấm toàn bộ các bài thi của một môn nào đấy, hoặc một số môn, hoặc là chấm một số bài thi trong một số môn. Phạm vi chấm là do Hội đồng chấm thẩm định quyết định, trên cơ sở yêu cầu của thực tế.

Cách thức thực hiện chấm thẩm định so với chấm thi bình thường có giống nhau không thưa ông?

Thực hiện chấm thẩm định cũng giống như là lúc chấm thi bình thường, nghĩa là quy trình chấm thi như thế nào, thì chấm thẩm định cũng như vậy.

Với bài trắc nghiệm, chúng ta phải làm quy trình hoàn toàn giống như là quy trình chấm thi bình thường. Đối với bài thi tự luận thì chúng ta cũng phải chấm qua 2 vòng độc lập như chấm bình thường. 

Vậy cơ quan nào sẽ là người có quyết định cuối cùng về điểm thi chính thức của bài thi?

Riêng về sử dụng kết quả chấm thẩm định, trong Quy chế thi THPT Quốc gia đã quy định: Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Nghĩa là căn cứ thực tế kết quả chấm sẽ quyết định lấy điểm nào (điểm gốc hay điểm sau khi chấm thẩm định) là điểm chính thức của bài thi.

Một điểm chú ý nữa đó là Hội đồng chấm thẩm định sẽ dùng con dấu của Cục Quản lý chất lượng để thực hiện việc chấm thẩm định. Tất cả những vấn đề này đều quy định trong Điều 31 của Quy chế thi THPT quốc gia.

 Quy trình chấm bài thi THPT Quốc gia 2018:

Theo hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT, Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng máy, quá trình xử lý được thực hiện theo 4 pha cụ thể. Công an giám sát trực tiếp và liên tục trong quá trình chấm. 

Việc chấm tự động được thực hiện theo từng Hội đồng thi, theo từng bài thi.

Quá trình xử lý cụ thể:

Pha 1: Quét ảnh


Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm dùng máy quét ảnh (scanner) tốc độ cao quét bài thi theo từng lô đưa vào các thư mục chứa ảnh. 

Pha 2: Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh)

Ảnh được xử lý để đọc thông tin như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, cán bộ xử lý xuất báo cáo Bộ GD-ĐT về trạng thái ban đầu bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (đĩa CD1).

Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.

Pha 3: Sửa lỗi của thí sinh

Theo thống kê thực tế, khoảng 1% thí sinh mắc lỗi, bao gồm:

- Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.

- Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.

- Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.

- Lỗi do quét bài như để gấp phiếu trả lời trắc nghiệm, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng.

Những lỗi này sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Phần mềm phải phát hiện tất cả lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết lỗi để có thể chấm bài thi tự động.

Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ. 

Pha 4: Chấm bài thi

Sau khi thực hiện ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng dữ liệu đáp án do Bộ cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra đĩa CD2 để báo cáo Bộ.

Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.

Công an giám sát suốt quá trình chấm thi trắc nghiệm

Thành phần tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm tổ trưởng là lãnh đạo ban chấm thi, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên, bộ phận giám sát gồm công an do Chủ tịch hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra.

Theo quy định, mỗi môn thi phải có ít nhất 3 cán bộ chấm thi. Họ là cán bộ, giáo viên trường phổ thông và giảng viên trường đại học, cao đẳng (nếu cần thiết); đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm thi. Những giảng viên, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự và thành viên ban thư ký, ban làm phách của hội đồng thi không được chấm thi.

Trong quá trình chấm, hội đồng thi phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu của thí sinh với bất kỳ lý do gì.

Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản.

 

 

Theo L.S/Báo Tin tức

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh