Do ảnh hưởng các đợt áp thấp và đặc biệt ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua, các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái đã xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 36 người chết và mất tích.
Hình ảnh tan hoang tại bản Tủ (Yên Bái) sau lũ quét. Ảnh: SƠN TÙNG |
Do ảnh hưởng các đợt áp thấp và đặc biệt ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua, các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái đã xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 36 người chết và mất tích.
Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to, gây ngập úng tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Yên Bái.
Trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng; trên Biển Đông đang có nguy cơ xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão...
Dồn lực cứu người, sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) cùng các địa phương các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ, triển khai ngay phương án ứng phó với thiên tai nguy hiểm có thể xảy ra khi hai cơn áp thấp nhiệt đới đang hình thành, diễn biến nguy hiểm, khó lường.
Lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày 22/7. Ảnh: SƠN TÙNG |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
Tại Yên Bái - địa phương được coi là thiệt hại nặng nề nhất về người trong đợt lũ lụt vừa qua, báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái (tính đến 7h ngày 21/7) - cho biết: Mưa lũ đã làm 10 người chết, 8 người mất tích và 11 người bị thương; 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, 1.915ha diện tích nông nghiệp cùng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, viễn thông bị ảnh hưởng, thiệt hại ban đầu khoảng 200 tỉ đồng.
Tỉnh Yên Bái đã huy động trên 17.000 người và tập trung tối đa các phương tiện, thực hiện đồng bộ các biện pháp tìm kiếm người mất tích. Đối với các gia đình bị thiệt hại, bước đầu, tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ 3 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng (trước mắt trong thời gian 1 tháng) để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.
Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể thành bão
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trong những ngày qua, đồng thời để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão có thể hình thành trong 1-2 ngày tới, sáng 22/7, Bộ trưởng - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ Hòa Bình, chủ động ứng phó với thiên tai của dân cư khu vực hạ lưu đập và tình hình sạt lở đồi ông Tượng khu vực Phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình.
Tiếp tục chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai, Trưởng BCĐ Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và các hình thế thời tiết nguy hiểm để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, hạn chế thiệt hại, trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ...
Ngày 22/7, một áp thấp nhiệt đới mới gần bờ khiến nguy cơ mưa lũ tiếp tục kéo dài. |
Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ
Trong khi mưa lớn diện rộng đang diễn ra ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiều khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông tin về một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên Biển Đông, đồng thời cảnh báo khả năng xuất hiện thêm một áp thấp nhiệt đới khác tại Vịnh Bắc Bộ.
Đối với ATNĐ trên biển Đông, đến 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật cấp 6-7; ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Theo KHÁNH VŨ (LĐO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin