Kịch bản sơ bộ về ảnh hưởng do vỡ đập thủy điện tại Lào tới Việt Nam

03:07, 25/07/2018

Sau vụ thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại Lào bị vỡ, các nhà khoa học và ngành có liên quan tại Việt Nam đang giám sát chặt chẽ diễn biến.

Sau vụ thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại Lào bị vỡ, các nhà khoa học và ngành có liên quan tại Việt Nam đang giám sát chặt chẽ diễn biến.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng.

Ngày 24/7, hãng Thông tấn Lào KPL đưa tin, hàng trăm người đã mất tích và một số người được cho là đã thiệt mạng sau khi vỡ đập thủy điện tại Đông Nam nước này. Vụ việc xảy ra tại một con đập thuộc tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào vào tối 23/7.

Trả lời câu hỏi việc vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ TW) về Phòng, chống thiên tai cho biết: "Đây là chiếc đập đang trong quá trình thi công và đã bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác”.

Hiện tại, các cơ quan khoa học của Việt Nam đang giám sát chặt và đã tính toán lưu lượng nước về từ thủy điện chặn dòng.

Theo đó, các nhà khoa học đánh giá: Khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay.

"Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian nước từ thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày. Đây là những thông tin sơ bộ, vì thời gian quá ngắn để thu thập và xử lý dữ liệu.

Việc này có thể làm dâng thêm 5 cm ở khu vực Tân Châu, Châu Đốc. Đây là kịch bản tính sơ bộ, còn hiện tại các cơ quan đang giám sát chặt diễn biến sự cố này để có ứng phó kịp thời" - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ theo dõi sát sao diễn biến của sự cố này và có sự tính toán sơ bộ lượng nước sẽ đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những ngày tới.

Dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy gồm ba con đập Houay Makchan, Xe Pian và Xe Namnoy, nằm trên các nhánh của sông Mekong. Công trình có tổng kinh phí hơn 1 tỷ USD, được Công ty PNPC khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.

Nhà máy thủy điện có sản lượng 410 megawatt, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.

Dự án liên doanh giữa công ty điện lực Ratchaburi của Thái Lan, Western Power của Hàn Quốc và tập đoàn nhà nước Laos Holding State Enterprise.

"Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy cách biên giới đoạn cửa sông Cửu Long ở khu ĐBSCL khoảng 650km, ít nhất phải 3 ngày nữa mực nước tại cửa sông Cửu Long tại biên giới theo tính toán sơ bộ sẽ lên cao hơn khoảng 3-5cm.

Ngoài ra, các sông ở ĐBSCL đang có mực nước thấp nên có thể nói sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khu vực này" - ông Tỉnh cho biết.

Vị trí đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy.
Vị trí đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy.

Còn theo ông Trần Đức Cường - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở Lào là sự cố đột xuất nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL. Hiện nay, Ủy Hội sông Mekong đang tập trung quan trắc ở dòng hạ lưu, tức là khu vực phía dưới đập thủy điện này.

"Vì vụ việc mới xảy ra hôm 23/7 nên hôm qua (24/7) họ mới đang thu thập số liệu và kết quả phân tích sẽ có trong 1-2 ngày tới để cảnh báo cho các quốc gia, đặc biệt là vùng ĐBSCL của Việt Nam" - ông Cường cho biết.

Trước đó vào tối 23/7, hàng trăm người đang mất tích sau khi đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở phía Đông Nam tỉnh Attapeu – Lào bị vỡ. Laos News Agency cho hay hơn 6.600 người đã bị mất nhà cửa do lụt vì vỡ đập.

Lào hiện có 10 đập thủy điện đang hoạt động, 10-20 công trình đang xây dựng và hàng chục dự án đang lên kế hoạch./.

Theo VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh