Đi tìm nguyên nhân: hễ mưa là đường phố thành sông

05:07, 04/07/2018

Những cơn mưa lớn từ đầu mùa đã khiến nhiều tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long biến thành sông, ngập lênh láng. Nguyên nhân không chỉ do hệ thống cống thoát nước cũ kỹ, mà còn do nước mưa… không có đường thoát!

Những cơn mưa lớn từ đầu mùa đã khiến nhiều tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long biến thành sông, ngập lênh láng. Nguyên nhân không chỉ do hệ thống cống thoát nước cũ kỹ, mà còn do nước mưa… không có đường thoát!

Đường phố nội ô TP Vĩnh Long hễ mưa là biến thành sông.
Đường phố nội ô TP Vĩnh Long hễ mưa là biến thành sông.

Điểm danh những tuyến đường mưa là thành sông

Chiều 2/6/2018, cơn mưa lớn kéo dài hơn 3 giờ liền đã “nhấn chìm” đường Mậu Thân (Phường 3). Nước tràn lên vỉa hè tấn công các con hẻm, người dân phải dùng mọi cách: giẻ lau, bao cát, thau nhựa… ngăn chặn, tát nước tràn vào nhà.

Sinh sống, buôn bán trên tuyến đường này, anh Nguyễn Văn Lục cho biết hễ mưa là đường ngập, càng ngày ngập càng sâu và lâu hơn.

Người dân thông cống cho nước thoát trên đường Mậu Thân.
Người dân thông cống cho nước thoát trên đường Mậu Thân.

Thế nên, giải pháp tức thời anh có thể làm được mỗi khi trời mưa là đội mưa moi rác miệng cống cho nước thoát mau và khuyên người dân trong khu phố mình đừng vứt rác bừa bãi cho đường cống thông.

1.790 trường hợp lấn chiếm

Theo UBND TP Vĩnh Long, hiện có 1.790 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 74.940m2, bao gồm: lấn chiếm đất công cộng 1.715 trường hợp và lấn chiến đất công (do cơ quan, tổ chức quản lý) 75 trường hợp. Cụ thể, nhà sàn trên sông 325 trường hợp; lấn chiếm kinh/rạch 1.122 trường hợp; lấn cống 156 trường hợp; lấn hẻm 14 trường hợp; lấn đường giao thông 98 trường hợp; lấn chiếm đất tổ chức quản lý 75 trường hợp.

Năm 2017, thành phố đã xử lý 1.741 trường hợp. Theo đó, tạm thời cho tồn tại 1.412 trường hợp, xem xét cho hợp thức hóa, chủ sử dụng tự khắc phục tháo dỡ 94 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp và bố trí khu vượt lũ 7 trường hợp; đang xem xét, đề nghị xử lý 49 trường hợp lấn chiếm đất tổ chức.

Nhiều tuyến đường nội ô cũng tương tự và người dân đã dần quen tình cảnh sống chung với nước ngập khi triều cường, mưa lớn. Cụ thể, các tuyến Hoàng Thái Hiếu, Trưng Nữ Vương, Hùng Vương, 3 Tháng 2… hễ mưa là đường biến thành sông. 

Đường phố ngập nước gây rất nhiều phiền toái đến sinh hoạt, buôn bán và đi lại của người dân, nhất là vào giờ cao điểm.

Anh Tám ở đường Trưng Nữ Vương than thở: “Nước vô nhà từ từ còn ngăn được nhưng khi có ô tô chạy qua là như “cơn sóng thần” bất ngờ ập vào cửa hàng, đành bó tay. Đồ đạc, hàng hóa kê nới cũng bị ướt hết”.

Trong khi những tuyến đường cũ được cho là “ngập nước mưa là đương nhiên”, thì một số tuyến đường mới như Phạm Thái Bường cũng cùng cảnh ngộ.

Theo ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình Công cộng tỉnh Vĩnh Long, hệ thống cống thoát nước của thành phố được sử dụng chung để thoát nước thải, nước mưa.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đầu tư sửa chữa, duy tu “không theo kịp đà xuống cấp” nên thoát nước chậm, bị quá tải…

Chẳng hạn, một số tuyến đường thường xuyên ngập nặng như: Trưng Nữ Vương, Hưng Đạo Vương, Lê Văn Tám, Hoàng Thái Hiếu… nền đường thấp nên mưa lớn đổ dồn về gây ngập cục bộ.

Trong đó, xưa cũ nhất phải kể đến hệ thống cống thoát nước đường 3 Tháng 2 (Phường 1) bởi có từ thời Pháp, hiện nay cống thoát nước nằm sâu đến 3m ở giữa đường, mỗi khi nạo vét phải bắc thang xuống.

Trong khi đường Mậu Thân chỉ có 1 hệ thống cống Ø60 không đủ lưu lượng thoát nước… Và thời gian qua, thành phố chỉ cải tạo đường chứ không cải tạo cống.

Cống xuống cấp, kinh rạch bị lấn chiếm

Người dân sống ven kinh rạch cơi nới nhà cửa làm hạn chế dòng chảy.
Người dân sống ven kinh rạch cơi nới nhà cửa làm hạn chế dòng chảy.

Ông Ngô Thành Thía cho rằng, nguyên nhân đường phố ngập do mưa lớn là vấn đề không mới và hầu như năm nào cũng trả lời báo chí. “Để hạn chế ngập đường phố do triều cường, thời gian qua chúng ta có giải pháp van 1 chiều ở các miệng cống đã hạn chế một phần.

Nhưng khi “đụng” mưa lớn và triều cường cùng lúc thì đành bó tay, vì tất cả máy bơm hiện có công suất chỉ 800m3/giờ không thấm vào đâu”- ông Thía nói.

Hệ thống cống xuống cấp, trong khi kinh phí hàng năm “chỉ đủ vận hành, còn duy tu, sửa chữa không đủ là bao”. Chính vì thế, ông Thía cho rằng: “Thành phố cần có giải pháp đồng bộ mới giải quyết được tình trạng ngập hiện nay và để cải thiện hệ thống cống xuống cấp cần nguồn kinh phí rất lớn”.

Cùng với đó, theo ông Ngô Thành Thía, đa phần lượng nước mưa, nước thải đô thị đi qua các kinh rạch để thoát ra sông lớn.

Nhưng “hiện có đến 70% các cửa cống thoát nước đã bị bít do xây dựng lấn chiếm”- ông Thía nói và dẫn chứng “ở khu vực Phường 1 vạt cống thoát nước ra rạch Kinh Cụt hầu như bị bít hết.

Đa số người dân cất nhà trên đó, có người đã được cấp sổ đỏ, nên giải tỏa không được. Tìm hiểu trên bản đồ xây dựng trước đây, chúng tôi thấy thể hiện từng đường cống thoát nước ra con rạch này”.

Còn đường Phạm Thái Bường hệ thống cống mới nâng cấp tại sao cũng ngập? Nguyên nhân, một số cửa xả thoát nước ra kinh rạch đã bị san lấp làm cống hạn chế thoát nước.

Trước kia từ đường Phạm Thái Bường (phía sau quán ăn Tài Có) có con kinh thoát nước cho tuyến đường chảy ra chợ Cua nhưng đã bị san lấp nhiều.

Tuyến cống Bộ Nghệ từ ngã ba Đồng Quê thoát ra rạch Cá Trê cũng bị bít. Trong khi rạch Cá Trê hiện nay có đoạn chỉ “bước một cái” là qua được bờ bên kia. “Cống rạch bị bít nên đường Phạm Thái Bường thoát nước chậm”- ông Ngô Thành Thía nói.

 

Ông Ngô Thành Thía: Giải tỏa “đầu ra” mới thoát nước tốt được

Chúng tôi vừa rồi đã khảo sát, lập danh sách một số điểm người dân lấn kinh rạch, che chắn, bít đường dẫn thoát nước để trình Phòng Quản lý Đô thị TP Vĩnh Long có phương án giải tỏa các điểm này. Có như vậy thì hệ thống cống mới vận hành tốt được. Trong khi đó, hệ thống cống các tuyến đường khu vực Phường 1 cần được cải tạo, nâng cấp thì mới không còn ngập khi mưa xuống.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh