Đảm bảo an toàn các hồ, đập công trình thủy điện mùa mưa lũ

01:07, 26/07/2018


Việt Nam có gần 400 công trình thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất gần 19.000MW.

 

Thủy điện Hòa Bình ngày 21/7 vừa qua, mở 4 cửa xả đáy để giảm mực trên lòng hồ Sông Đà. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)
Thủy điện Hòa Bình ngày 21/7 vừa qua, mở 4 cửa xả đáy để giảm mực trên lòng hồ Sông Đà. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

 

Việt Nam có gần 400 công trình thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất gần 19.000MW.

Trong mùa mưa bão, việc các chủ đầu tư tuân thủ theo đúng các yêu cầu, quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý an toàn hồ đập, các quy chuẩn, quy phạm, luôn được đặt lên hàng đầu.

Mặc dù thời gian gần đây, vấn đề an toàn hồ đập, nhất là trong mùa mưa bão đã được toàn xã hội quan tâm, song nhiều chuyên gia về thủy điện vẫn lo ngại, những rủi ro còn tiềm ẩn ở các công trình thủy điện nhỏ với các chủ đầu tư là tư nhân.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 cho hay, trong những năm qua và nhất là gần đây, công tác quản lý an toàn đập đã được chú trọng và nâng cao đáng kể.

Đối với các dự án thủy điện cỡ vừa trở lên đều có thể hoàn toàn yên tâm và không đáng ngại về vấn đề an toàn. Riêng các dự án thủy điện nhỏ của tư nhân hiện vẫn chưa kiểm soát được nên rất khó có thể khẳng định có đảm bảo hay không.

Tuy vậy, gần đây tất cả các yếu tố liên quan đến an toàn đập hồ chứa đã được Bộ Công Thương tập trung kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro.

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, cách đây 6 năm, thủy điện Đakrông 3 cũng bị vỡ đập. Bài học đầu tiên được đưa ra trong quá trình thi công là bước đầu phải chọn được tư vấn và nhân lực thi công có kinh nghiệm. Bởi công trình thủy điện dù quy mô lớn hay nhỏ đều rất phức tạp.

Đồng thời, liên quan đến nhiều yếu tố như thiên nhiên, thời tiết, mưa gió, bão và đặc biệt là yếu tố địa hình, địa chất nên cần có các cơ quan tổ chức kinh nghiệm thực hiện mới loại trừ được rủi ro.


Nhìn nhận lại nguyên nhân đối với các công trình bị sự cố, ông Tài Sơn cho rằng, do hậu quả của việc làm thủy điện theo phong trào, chạy theo đơn giá thấp và đơn vị tư vấn còn thiếu kinh nghiệm.

Trước đây, việc quan tâm đến an toàn đập thủy điện còn hạn chế nhưng những năm gần đây, việc quan tâm đã đi vào bài bản.

Tuy nhiên, để thực hiện hết được các yêu cầu về an toàn đập cần phải có kinh phí rất lớn. Việc này chỉ được ưu tiên đối với các lưu vực lớn, các công trình lớn ảnh hưởng đến hạ du, được bố trí kinh phí thực hiện phân tích chi tiết rủi ro, từ đó đưa ra kịch bản về thảm họa và hướng dẫn các địa phương cảnh báo.

Với thủy điện nhỏ hiện nay, theo quy định về an toàn đập được sửa đổi, yêu cầu các dự án đều phải thực hiện các bước. Những công trình cũ chưa được quan tâm về an toàn cần phải được bổ sung, phân tích, tránh thiệt hại khi có rủi ro xảy ra.

Việc công bố lợi ích đi kèm với rủi ro từ các công trình thủy điện mang lại là việc làm cần công khai.

Từ đó, đưa an toàn tới từng người dân trong vùng dự án; giúp họ hiểu được mức độ rủi ro và có ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ tài sản khi có rủi ro xảy ra.

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, có 3 bước trong việc đảm bảo an toàn hồ đập. Một là đánh giá lại an toàn đập của dự án theo chu kỳ nhất định, để khi cần có thể bổ sung, hoàn thiện ngay.

Thứ hai là lường ra được các sự cố, kịch bản rủi ro và tính toán khoa học. Từ đó, chỉ ra các điểm yếu, điểm cần có để phục vụ sơ tán sau này.

Thứ ba là phổ biến các khu vực bị ảnh hưởng và tổ chức diễn tập khi có kịch bản xấu xảy ra. Nếu làm tốt được cả 3 việc này, vấn đề quản lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại sẽ làm tốt.

Riêng với Việt Nam, các dự án thủy điện trước mùa mưa bão đều có đánh giá về an toàn hồ đập. Đây là một quy trình bắt buộc và Việt Nam đang làm.

Nếu công trình an toàn mới được vận hành, còn không sẽ không được tích nước. Đơn cử như thủy điện Hòa Bình đảm bảo điều tiết nước, xả nước trước để dành dung tích chứa nước lớn hơn và dự phòng khi có mưa lũ lớn.


“Để xây dựng các dự án thủy điện còn hai khâu nữa là lập kịch bản thảm họa và diễn tập. Hiện hai vấn đề này vẫn chưa được phổ biến.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên nâng cao ý thức con người trong đảm bảo an toàn hồ đập, việc này không lúc nào thừa, kể cả khi đã có chính sách tiến bộ thì việc cảnh báo cũng cần phải được nâng cao hơn nữa và tuyệt đối không được chủ quan,” ông Tài Sơn nói.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, năm vừa qua, các nhà máy thủy điện đã tuân thủ các quy định về xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, phối hợp với địa phương ngày một hiệu quả; trong đó, nhiều chủ hồ đã chủ động đề xuất vận hành hồ chứa an toàn, giảm thiểu tối đa tác động, thiệt hại cho hạ du.

Đặc biệt là những sáng kiến, ứng dụng công nghệ phục vụ cảnh báo tại hạ du và việc dự báo, quan trắc phục vụ vận hành hiệu quả công trình thủy điện.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, Bộ Công Thương cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập.

Cụ thể là rà soát, bổ sung phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình trước, trong, sau các đợt lũ, bão và khắc phục kịp thời các tồn tại có nguy cơ mất an toàn cho đập, nhà máy.

Cùng với đó, thực hiện vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ. Đồng thời, rà soát quy trình vận hành hồ chứa để cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tế công trình, đặc điểm hạ du, cập nhật khí tượng thủy văn.

Ngoài ra, đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc trên lưu vực hồ chứa để chủ động trong việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình, hạ du và vận hành hiệu quả.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương rà soát, đề xuất phương án cảnh báo. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân cách nhận biết tình huống xả lũ.../

Theo ĐỨC DŨNG (TTXVN/VIETNAM+) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh