Đưa thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường

06:07, 31/07/2018

Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018 có nhiều điểm mới mang tính đột phá. Theo đó, luật quy định chuyển từ "phí" sang "giá" sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, cũng như việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. 

Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018 có nhiều điểm mới mang tính đột phá. Theo đó, luật quy định chuyển từ “phí” sang “giá” sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, cũng như việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Nhuận- Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT ảnh) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

* Luật Thủy lợi quy định về việc chuyển từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”, sự thay đổi này mang lại lợi ích như thế nào, thưa ông?

- Luật Thủy lợi quy định chuyển từ “phí” sang “giá” sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục vụ” sang thủy lợi “dịch vụ”, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi, giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi còn đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi.

* Việc chuyển đổi này liệu có gây khó cho nông dân?

- Việc chuyển đổi từ “phí” sang “giá” sản phẩm, dịch vụ thủy lợi không làm tăng chi phí của nông dân. Nông dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn từ việc áp dụng cơ chế này.

Ngoài việc góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi áp dụng cơ chế này còn giúp tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh cũng như ứng phó biến đổi khí hậu ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Việc thực hiện cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ giúp huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi.
Việc thực hiện cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ giúp huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi.

Nông dân sử dụng nước từ công trình thủy lợi để tưới, tiêu nước cho cây trồng, nuôi thủy sản sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi từ công trình thủy lợi đầu mối đến điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi (quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Luật Thủy lợi).

Trước đây, việc miễn, giảm thủy lợi phí là sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho nông dân và giúp cơ quan quản lý có nguồn kinh phí để tu sửa, chống xuống cấp công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, cơ chế này đang cho thấy vài trò của cơ quan quản lý chuyên ngành mờ nhạt, cơ quan cấp phát không chịu trách nhiệm đến kết quả cuối cùng nên hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước chi ra nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, thậm chí không giúp được gì nhiều cho nông dân.

* Việc xã hội hóa đầu tư công các công trình thủy lợi sẽ mang hiệu quả tích cực ra sao? Làm thế nào để người dân có thể tham gia giám sát hiệu quả hoạt động của việc chuyển đổi này thưa ông?

- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình theo hình thức đối tác công tư là nhằm giảm bớt ngân sách của Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân cùng Nhà nước đầu tư xây dựng công trình.

Nhà nước chỉ đầu tư những công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi khó huy động nguồn lực xã hội, công trình kết hợp sử dụng phục vụ quốc phòng- an ninh, công trình ở vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Hàng năm, Vĩnh Long dành nguồn vốn khá lớn từ 350- 400 tỷ đồng thực hiện trên 300 công trình, dự án thủy lợi.

Các hệ thống thủy lợi được hình thành, góp phần tăng diện tích sản xuất được khép kín, cơ bản chủ động tưới tiêu cho hơn 93% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi kết nối với hệ thống giao thông hình thành hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ tốt cho công tác phòng chống thiên tai và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là tỷ lệ kiên cố hóa thấp, do đó hệ thống công trình thủy lợi mau xuống cấp, tốn nhiều kinh phí sửa chữa.

Chưa kể, vốn đầu tư cho thủy lợi còn thấp so với nhu cầu trong quy hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng để thi công công trình gặp nhiều khó khăn do kinh phí đền bù lớn, hiện mặt bằng xây dựng bờ bao, kinh phần lớn vận động nhân dân hiến đất.

Trong khi đó, bộ máy tổ chức quản lý khai thác công trình không có, công trình còn tạm thời giao về cho các địa phương quản lý. Công tác phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa được thực hiện nên còn chồng chéo.

* Xin cảm ơn ông!

LÊ SƠN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh