Trăm năm nghệ thuật cải lương

08:07, 21/07/2018

Những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật cải lương ra đời và bắt đầu đến với công chúng Nam Bộ.

Những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật cải lương ra đời và bắt đầu đến với công chúng Nam Bộ.

Nghệ thuật cải lương là sự tiếp thu và phát triển từ nhã nhạc, lễ nhạc cung đình, từ hát bội và nghệ thuật đờn ca của người dân Nam Bộ, trải qua quá trình cải biến, cách tân, từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, hát chập rồi dần hình thành các vở diễn hoàn chỉnh.

Theo các nhà nghiên cứu, có thể lấy năm 1918 làm dấu mốc khai sinh của nghệ thuật cải lương. Trải trăm năm hình thành và phát triển, sân khấu cải lương đã qua nhiều biến động với những bước thăng trầm.

Nhưng có thể khẳng định rằng, nghệ thuật cải lương đã luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước thương quê, tình nhân ái, tính nhân văn cho các thế hệ con người Việt Nam.

Có ai mà không nhớ, không yêu những vở tuồng như “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái hậu Dương Vân Nga” hay “Rạng ngọc Côn Sơn”… đã khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt và tự hào dân tộc.

Có người dân Việt nào không vừa thương cảm vừa tự hào về người nông dân từng chịu áp bức đã quyết vùng lên qua “Tiếng hò sông Hậu”, “Tiếng sóng Rạch Gầm” hay những tuồng cải lương tố cáo xã hội phong kiến vùi dập thân phận người phụ nữ, như “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt” hay những vở cải lương tâm lý, ý nhị, chế giễu thói hư tật xấu, ca ngợi lòng trung nghĩa, hiếu đạo… như “Bên cầu dệt lụa”, “Ngao Sò Ốc Hến”. Cùng với đó, là biết bao lớp soạn giả, nghệ sĩ tài danh mà tác phẩm, giọng ca, nét diễn và tấm lòng yêu nghề được công chúng luôn nồng nhiệt đón nhận.

Một thế kỷ, cải lương đã khẳng định bằng biết bao tuyệt tác là những giá trị văn hóa nghệ thuật đẹp đẽ, góp cho đời những hình tượng sân khấu là đỉnh cao của sáng tạo.

Thế nhưng vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố thời đại với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới, hấp dẫn hơn cùng với sự thay đổi còn chậm, chưa mang tính đột phá, đã khiến cải lương lâm vào khó khăn…

Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng phải chấp nhận những nguy cơ bị đào thải trong sự phát triển chung của nền văn hóa, nghệ thuật, đó là quy luật. Song, nghệ thuật cải lương Việt Nam xứng đáng là tinh hoa cần lưu giữ, bảo tồn và tìm cách phát huy giá trị, giới thiệu đến với công chúng và thế giới!

PHƯƠNG NAM

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh