"Cũng như nhiều người Việt Nam ta ở mọi lứa tuổi, tôi rất xúc động khi đọc nhật ký của hai liệt sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc. Hai con người, hai cuộc sống, hai tấm lòng biết bao đẹp đẽ, giản dị và cao cả, tràn đầy chất anh hùng và chất lãng mạn, có sức truyền cảm sâu xa đến phần trong sáng của mỗi con người, như lời tâm sự, lời nhắn nhủ và cả lời thức tỉnh. Khi đạt đến sự chân thành dâng hiến hết mình cho nghĩa lớn như Thùy Trâm và Thạc, thì con người ở một thời mà đến được với mọi thời…"- đây là đoạn trích thư của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi đọc 2 quyển nhật ký này.
“Cũng như nhiều người Việt Nam ta ở mọi lứa tuổi, tôi rất xúc động khi đọc nhật ký của hai liệt sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc.
Hai con người, hai cuộc sống, hai tấm lòng biết bao đẹp đẽ, giản dị và cao cả, tràn đầy chất anh hùng và chất lãng mạn, có sức truyền cảm sâu xa đến phần trong sáng của mỗi con người, như lời tâm sự, lời nhắn nhủ và cả lời thức tỉnh.
Khi đạt đến sự chân thành dâng hiến hết mình cho nghĩa lớn như Thùy Trâm và Thạc, thì con người ở một thời mà đến được với mọi thời…”- đây là đoạn trích thư của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi đọc 2 quyển nhật ký này.
Đó là một nữ bác sĩ xung phong vào chiến trường B và một người từng là học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, là sinh viên đại học nhưng đã cùng với bạn bè ra chiến trường vệ quốc- như trong lá thư gửi gia đình ngày 19/9/1971, Nguyễn Văn Thạc viết: “Đơn vị của con toàn sinh viên và cán bộ giảng dạy. Hình như cả một sư đoàn sinh viên...” và những người trẻ ấy đã gửi trọn thanh xuân vào lòng đất mẹ- mãi mãi tuổi thanh xuân!
Đó là một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trang nhật ký của “anh lính binh nhì” 19 tuổi đã ghi dòng nhật ký đầu tiên trên đường ra trận: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây.
Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá”.
Cứ vậy, gian khổ đường hành quân mà anh vẫn viết đầy 240 trang sổ tay… Trong đó, không chỉ thấm đẫm yêu thương mà còn đau đáu với đất nước và trăn trở sống sao cho xứng đáng là một đảng viên- như Paven của “Thép đã tôi thế đấy”.
Với ước mơ và niềm tin mãnh liệt, trong thư viết ngày 18/9/1971 gửi người bạn gái, anh Thạc còn dự cảm rằng: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ… 30/4/1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”
Xuyên suốt những cuốn nhật ký là khát vọng cứu nước, không hề chùn bước trước hy sinh. “ Kẻ thù không cho tôi ở lại- Phải đi- Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu đầu tiên của đời lính…
Ừ, nếu như tôi không trở lại- Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn những dòng vui vẻ và đông đúc…”
Xin các anh hùng liệt sĩ hãy an lòng, vì hôm nay đã có rất nhiều người trẻ thay anh viết tiếp tuổi hai mươi rạng rỡ!
(*) Giới thiệu lại cùng bạn đọc: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”- NXB Hội Nhà văn
“Mãi mãi tuổi hai mươi- Nguyễn Văn Thạc”- NXB Thanh niên
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin