Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Năm 2016, ĐBSCL chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn ở mức kỷ lục trong 100 năm qua, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng triệu người dân. Để phát triển bền vững, cần nhanh chóng tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức của BĐKH.
Biến đổi khí hậu khiến tăng tần suất và cường độ thiên tai, đe dọa sinh kế hàng triệu người dân ĐBSCL. Trong ảnh: Hiện trường một vụ lở nuốt chửng một dãy nhà ven sông Hậu (TX Bình Minh). |
BĐKH đang rất nghiêm trọng
Phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM) về “Cùng hành động ứng phó BĐKH nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững- Định hướng tương lai” tổ chức tại TP Cần Thơ vào tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh:
Những thách thức về BĐKH với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng gay gắt sẽ cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bao trùm.
Các nước thành viên ASEM đã chứng kiến những thảm họa siêu thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trận lụt lịch sử ở Ấn Độ, Nam Á năm 2017, những đợt lạnh bất thường ở Châu Âu và Trung Quốc, các đợt nóng kỷ lục ở Australia vào đầu năm 2018.
Tác động của BĐKH đối với nước ta rất nghiêm trọng. Theo đó, mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác, tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng hạ tầng giao thông... Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung, đặc biệt Tây Nam Bộ… có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bên cạnh, nhiệt độ tăng, độ ẩm cao khiến vi khuẩn, côn trùng, sinh vật mang bệnh phát triển mạnh; làm giảm khả năng đề kháng, dẫn đến dễ bị nhiễm bệnh (đặc biệt là các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm).
Nhiệt độ tăng cũng ảnh hưởng chất lượng công trình, sức bền vật liệu, tăng chi phí bảo quản, vận hành…
Mặt khác, BĐKH còn làm tăng tính cực đoan của thời tiết, tăng tần suất và cường độ thiên tai, gây tổn thất lớn về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường.
Chỉ tính 10 năm gần đây, bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,5% GDP/năm.
Chiếm 12% diện tích, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước nhưng ĐBSCL lại là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do BĐKH.
Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên- Môi trường công bố, ĐBSCL sẽ ngập chìm 19- 38% nếu nước biển dâng thêm 1m (nặng nhất là Bến Tre với 50% diện tích).
BĐKH cũng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác, tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng hạ tầng giao thông, đô thị, các hệ sinh thái ven biển, cửa sông…
Theo đó, diện tích nhiễm mặn hàng năm lên tới 1,7 triệu hecta; ngập lũ tới khoảng 1/2 diện tích toàn vùng, thời gian ngập từ 1- 6 tháng… Tần suất bão, lũ, ngập lụt tăng bất thường, điển hình là ở các thành phố lớn.
Đáng nói, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng ĐBSCL. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148km cần sớm được xử lý và tập trung xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế
Người dân ven sông Hậu- TX Bình Minh dọn đồ đạc trong một đợt chạy lở. |
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH.
Riêng đối với ĐBSCL, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Theo đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường đang khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện nghị quyết.
Cụ thể, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án cấp bách “không hối tiếc” trước mắt và đến năm 2030, định hướng đến 2050.
Các giải pháp được đề xuất căn cơ, trên cơ sở thích nghi với tự nhiên, các tiểu vùng sinh thái và dựa vào nền tảng đất- nước- con người của ĐBSCL.
Người dân huyện An Phú (An Giang) thu hoạch bắp chạy lũ tháng 8/2017. |
Đặc biệt, lần đầu tiên một số cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá sẽ được triển khai áp dụng trong Chương trình hành động tổng thể như: chuyển đổi quy mô lớn; tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn; phát triển đô thị thông minh thích ứng BĐKH…
Bên cạnh những cơ chế, chính sách lớn, một số cơ chế chính sách cụ thể khác đã được xây dựng, ban hành và triển khai tại các bộ, ngành, địa phương.
Ứng phó với BĐKH không chỉ là công việc của riêng một cơ quan, tổ chức nào mà là mối quan tâm chung của toàn hệ thống chính trị với vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quản lý, điều hành.
Đồng thời, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp, phát huy cao nhất sự tham gia và giám sát của các đoàn thể chính trị- xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trên tinh thần dựa vào nội lực là chính, tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Các thành viên ASEM cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa trong bối cảnh BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến việc định hình cuộc sống tương lai của nhân loại,
trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Nhưng chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng phối hợp hành động nhằm ứng phó BĐKH và thúc đẩy phát triển bền vững.
Về ưu tiên đầu tư cho ĐBSCL để ứng phó với BĐKH (từ các nguồn kinh phí), 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách và 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 của Chính phủ hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Bên cạnh, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) giai đoạn 2012- 2015: 3.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016- 2020: 3.130 tỷ đồng. Bên cạnh, từ khoản vay ODA của Ngân hàng Thế giới 560 triệu USD để tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và đảm bảo sinh kế bền vững. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin