Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

08:07, 21/07/2018

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lũ tính đến 6 giờ ngày 21/7, tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có 10 người chết (Yên Bái 8 người, Thanh Hóa 2 người); 11 người bị mất tích (Yên Bái 9 người, Thanh Hóa 2 người); 14 người bị thương (Yên Bái 9 người, Sơn La 1 người, Thanh Hóa 3 người, Nghệ An 1 người).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lũ tính đến 6 giờ ngày 21/7, tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có 10 người chết (Yên Bái 8 người, Thanh Hóa 2 người); 11 người bị mất tích (Yên Bái 9 người, Thanh Hóa 2 người); 14 người bị thương (Yên Bái 9 người, Sơn La 1 người, Thanh Hóa 3 người, Nghệ An 1 người).

Mưa liên tục khiến nước dâng cao tại huyện Mộc Châu (Sơn La), làm ngập úng cục bộ và gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Ảnh: TTXVN phát
Mưa liên tục khiến nước dâng cao tại huyện Mộc Châu (Sơn La), làm ngập úng cục bộ và gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, mưa lũ cũng làm 105 nhà bị sập (Yên Bái 79, Hòa Bình 1, Quảng Ninh 2, Thanh Hóa 7, Nghệ An 15, Hà Tĩnh 1); 3.328 nhà bị ngập (Sơn La 99, Yên Bái 2.866, Lào Cai 56, Hòa Bình 90, Quảng Ninh 185, Thanh Hóa 32); 1.018 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 15, Yên Bái 608, Hòa Bình 118, Quảng Ninh 232, Thanh Hóa 45); 16.893 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 3.969 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng (Sơn La 3,5ha; Lào Cai 7,4ha; Thanh Hóa 1.015 ha; Nghệ An 2.943,3 ha).

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, tính đến 17 giờ ngày 20/7, khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng có diện tích ngập úng là 39.000 ha (Nam Định 27.000 ha, Thái Bình 6.000 ha, Quảng Ninh 6.000 ha); trong đó nguy cơ mất trắng là 3.000 ha tại tỉnh Nam Định.

Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có diện tích ngập úng là 13.276 ha tại tỉnh Thanh Hóa trong đó có 4.526 ha có nguy cơ bị mất trắng. Diện tích hoa màu bị thiệt hại là 12.151 ha (Lào Cai 38,8 ha, Hòa Bình 848,65 ha, Quảng Ninh 1,1 ha, Thanh Hóa 2.617 ha; Nghệ An 6.744 ha; Hà Tĩnh 1.900 ha).

Đến 17 giờ ngày 20/7, các địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh đang vận hành 2.617 máy bơm (tăng 738 máy so với ngày 19/7) và 35 cống tiêu (giảm 19 cống so với ngày 19/7) để tiêu úng và tiêu nước đệm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông Vận tải, tính đến 14 giờ ngày 20/7, các tuyến đường quốc lộ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ đã được lưu thông.

Tuy nhiên, trên các tuyến đường tỉnh lộ tại tỉnh Yên Bái, như tuyến đường tỉnh lộ 163, 166, 172 còn bị ngập tại các ngầm tràn, tuyến đường 175 ngập tại Km17+900 gây tắc cục bộ. Đường tỉnh 151, 161 tại tỉnh Lào Cai bị ngập lụt, sạt ta luy gây ách tắc cục bộ; có 3 điểm trên quốc lộ 217B và 1 điểm trên đường tỉnh lộ 519B thuộc tỉnh Thanh Hóa đang còn bị ngập.

Hiện nay còn một số tuyến đường liên xã, liên thôn ở các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ. Chính quyền địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.

Để tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị UBND các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung b tập trung cao việc khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai ứng phó với mưa, lũ còn diễn biến phức tạp theo nội dung Công điện 931/CĐ-TTg ngày 20/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, khôi phục cơ sở hạ tầng thiêt yếu để đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân.

Theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; rà soát các khu dân cư nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, thông tin kịp thời đến chính quyền cơ sở, người dân tận thôn, bản biết, để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu.

Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các sông miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
 

Theo Thắng Trung (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh