Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh- cho rằng "không nên thương nhà thầu quá rồi cho làm lại, mà phải phạt"; đồng thời tăng công tác thanh tra xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu nếu để chậm tiến độ
Năm 2018 tỉnh phấn đấu giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt trên 95%. |
Mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương chưa được khởi công, do đó, tại hội nghị sơ kết công tác xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh- cho rằng “không nên thương nhà thầu quá rồi cho làm lại, mà phải phạt”; đồng thời tăng công tác thanh tra xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu nếu để chậm tiến độ.
Công trình vướng giải phóng mặt bằng
Đánh giá công tác thực hiện xây dựng cơ bản trong 6 tháng đầu năm, theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, việc huy động cân đối và bố trí, bổ sung đầu tư cho các công trình trọng điểm cấp bách, các công trình thuộc các xã điểm nông thôn mới được quan tâm và ưu tiên kịp thời, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số công trình còn chậm, kết quả thực hiện và giải ngân đạt thấp.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đến tháng 6/2018 là trên 2.700 tỷ đồng, thực hiện 991,61 tỷ đồng, giải ngân trên 899 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch (ước đến cuối tháng đạt 40,4%).
Trong năm có 94 công trình chuyển tiếp, kế hoạch vốn hơn 1.100 tỷ đồng. Nhìn chung giải ngân chậm, mới đạt hơn 46%. Có 113 công trình thực hiện mới, đã khởi công 83 công trình, còn lại chưa khởi công.
Ông Lê Quang Trung cho rằng, việc này đã được nhắc nhở nhiều lần trong các cuộc họp nhưng đến nay chưa thấy chuyển biến: “Nên nhớ, công trình chuyển tiếp nhưng phải có thời hạn. Hôm nay có chủ đầu tư, lãnh đạo các huyện tôi đề nghị cần phải xem lại việc lãnh chỉ đạo như thế nào mà để công trình chậm tiến độ như vậy”.
Trong khi đó, theo nhiều địa phương việc một số công trình chậm tiến độ xuất phát từ nguyên nhân điều chỉnh chủ trương, dự án, và nhất là vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết, hiện địa phương còn 6 công trình chưa khởi công. Trong đó, hiện có 5/6 dự án đã thực hiện đấu thầu. Riêng công trình Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã Tân Hạnh hiện chỉ trong giai đoạn mời thầu do đang bồi hoàn giải phóng mặt bằng. Tiến độ giải ngân thấp nhất là đê bao hạ tầng 4 xã cù lao.
“Do đơn vị thi công chậm tiến độ nên huyện cũng đã xin ý kiến Sở Kế hoạch- Đầu tư thông báo cắt, nhưng chưa cắt thì nhà thầu tiếp tục thi công lại”- ông Thành giải thích. Ông Lê Quang Trung cho rằng, công trình này chậm thi công nhiều năm nhưng chưa có hình thức xử phạt nào thì cần xem lại bộ phận tham mưu và “phải chịu trách nhiệm, tôi đã cảnh báo rất nhiều lần”.
Tại huyện Bình Tân, năm 2018 được bố trí 2 công trình với nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được trên 6 tỷ, đạt hơn 40%. Khó khăn của địa phương này vẫn là vướng mặt bằng, một số hộ dân đòi chỉnh tuyến, “giãn” thời gian thi công chờ thu hoạch hoa màu.
Trong khi với những công trình chưa khởi công còn lại, một số chủ đầu tư cho rằng do phải thực hiện thiết kế 2 bước (thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công- dự toán), ông Lê Quang Trung nêu: “Có những công trình chỉ thiết kế cơ sở thôi nhưng vẫn chậm, là sao? Chủ đầu tư cần xem lại những công trình này”.
Mạnh tay xử lý trách nhiệm
Cho rằng cơ cấu tổ chức ở các huyện, thành phố chưa phù hợp dẫn đến chậm tiến độ, ông Trần Quốc Hợp- Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải nói: “Chỗ thì gọi là ban quản lý dự án, chỗ thì ban giải phóng mặt bằng. Như Vũng Liêm là ban giải phóng mặt bằng, còn huyện khác thì ban quản lý dự án, còn TP Vĩnh Long thì là Trung tâm Phát triển quỹ đất. Tổ chức như vậy nên công việc quá nhiều, con người thực hiện không đáp ứng”.
Bên cạnh, việc quy định vướng chính sách đất đai, đối đất nông nghiệp thu hồi trên 30% thì có hướng dẫn, dưới 30% trình dự án cho UBND tỉnh xem xét.
Ông kiến nghị, hỗ trợ cần phải hướng dẫn cụ thể chứ không nên để mỗi dự án đều trình. Có những công trình đi qua 2 huyện hoặc qua các xã nhưng có huyện trình hỗ trợ, có huyện không trình nên không đồng nhất. Mặt khác, trong thành phố hoặc thị trấn, đô thị, đất nông nghiệp giáp mặt tiền xin chỉ đạo chung làm giá thực tế bao nhiêu phần trăm.
“Trước có vị trí 1, vị trí 2 để thực hiện, giờ phê duyệt dự án người dân khiếu nại thì phải làm lại từ đầu nên kéo thời gian thực hiện. Cụ thể, đường song song đường Mậu Thân trước nay hỗ trợ trên 1 triệu/m2 đất nông nghiệp, giờ điều chỉnh lại trên 2 triệu đồng đã gây không ít khó khăn nên đến nay vẫn còn hơn 10 hộ thưa kiện không chịu giao đất thi công”- ông Hợp nêu bất cập.
Ông Lê Quang Trung lưu ý, thu hồi công trình thủy lợi hoặc giao thông nông thôn trên 30% phải xem xét, cái này đã có quy định cụ thể, còn dưới 30% là do vận động. “Cái này UBND tỉnh đã cho chủ trương rồi, nên trước khi làm vận động dân ở đó đồng ý thì làm còn không đồng ý chuyển sang chỗ khác.
Bởi họ mất đất từ 30% trở lên mình hỗ trợ chứ không phải bồi hoàn. Việc này không thêm được, bởi thêm xem như bồi hoàn hết, chỉ trừ trường hợp đặc biệt phải xem xét”. Bên cạnh, ông cho rằng việc thu hồi đất, huyện phân công ban quản lý dự án hay ban bồi thường là do tình hình của từng huyện “miễn sao đúng quy định pháp luật”.
Còn thu hồi đất đô thị phải căn cứ theo luật, mình chỉ vận dụng từng công trình dự án thực hiện. Ông nói: “Công trình chậm do địa phương không chủ động. Bởi khi đi kiểm kê là biết giải tỏa bao nhiêu hộ, diện tích bao nhiêu. Ngay sau đó thì xin chủ trương liền, chỉ cần áp giá hỗ trợ. Nhanh hay chậm là do mình”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Quang Trung chỉ rõ việc chậm khởi công một số công trình có trách nhiệm của chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện, bởi thường “làm theo ý mình chứ không theo pháp luật”.
Đặc biệt công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của sở, ngành chưa quyết liệt, phối hợp chưa thường xuyên chặt chẽ ngay từ đầu nên chậm xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc.
Nêu việc “thương nhà thầu quá cho làm lại” ở huyện Long Hồ, ông yêu cầu những địa phương khác với trường hợp tương tự phải áp dụng hình thức xử phạt, thậm chí thay đổi nhà thầu.
“UBND tỉnh đã có chủ trương việc này, không thể chấp nhận những nhà thầu năng lực yếu kém. Cứ làm vậy, đối với những công trình vốn Trung ương nếu không được cấp vốn thì dân mình thiệt thòi. ”- Phó Chủ tịch Lê Quang Trung lưu ý
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư- cho rằng giải phóng mặt bằng đã gây khó khăn cho nhiều công trình “dù lớn, dù nhỏ”. Vì vậy, ông kiến nghị với Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh để cơ quan thường trực phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường trong tháng 8/2018 tổ chức hội nghị riêng về công tác giải phóng mặt bằng, nhằm chia sẻ cụ thể những việc không hiểu, không rõ, vướng mắc như thế nào “nói nhau một lần” để cùng hiểu cùng làm thống nhất. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin