Việc ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết

07:06, 20/06/2018

Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ban hành Luật An ninh mạng thời điểm này là cấp bách và hết sức cần thiết làm cơ sở pháp lý để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

 

Bài, ảnh: TÂM HUỲNH 

 

Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ban hành Luật An ninh mạng thời điểm này là cấp bách và hết sức cần thiết làm cơ sở pháp lý để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm để bảo vệ người dân trên không gian mạng và chỉ có những kẻ làm việc sai trái mới lo sợ đối diện với bộ luật này.
Việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm để bảo vệ người dân trên không gian mạng và chỉ có những kẻ làm việc sai trái mới lo sợ đối diện với bộ luật này.

Sự cần thiết ban hành luật

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm có hàng ngàn cuộc tấn công mạng nhắm vào an ninh mạng của nước ta, tình hình diễn biến trong không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Thực tiễn này đang đòi hỏi phải ban hành Luật An ninh mạng nhằm làm cơ sở pháp lý để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Báo cáo của Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho thấy, Việt Nam là nước bị tấn công nhiều nhất trong khu vực nhằm vào hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, an ninh quốc gia, TTATXH.

Đó là chưa kể mạng Internet bị lợi dụng để đăng tải thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, cá nhân, gây mất ổn định về kinh tế, tài chính, chính trị, quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, tình trạng sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội thời gian qua có chiều hướng gia tăng, nhiều đối tượng tấn công mạng xâm nhập dữ liệu các ngân hàng, doanh nghiệp để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sử dụng Internet để lừa đảo, tống tiền, rửa tiền, đánh bạc, phát tán ấn phẩm đồi trụy, mua bán vũ khí, ma túy, hàng cấm,…

Vì thế, việc ban hành Luật An ninh mạng được xem là cấp bách và hết sức cần thiết nhằm làm cơ sở pháp lý để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH. Ngày 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với sự đồng tình rất cao của các đại biểu Quốc hội.

Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm TTATXH trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Cơ quan chuyên trách an ninh mạng không cấp “giấy phép con” phát sinh đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Ngoại trừ việc doanh nghiệp phối hợp với lực lượng chuyên trách xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và một số trách nhiệm được quy định cụ thể trong luật (Điều 41) có liên quan đến cảnh báo, khắc phục, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật

 

Không kiểm soát thông tin cá nhân

Mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng là xây dựng không gian mạng lành mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia, TTATXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế.

Một số điểm đáng lưu ý của Luật An ninh mạng về nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng, sẽ kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Đối với các hành vi bị cấm, luật quy định rõ cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Luật cấm các hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tôn giáo; kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc;

thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế- xã hội; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…

Sau khi luật ban hành, có thông tin cho rằng khi luật có hiệu lực thì mọi tài khoản cá nhân bị cơ quan chức năng giám sát điều này là không chính xác. Trung tướng Hoàng Phước Thuận- Cục trưởng Cục An ninh mạng cho biết, cơ quan chuyên trách an ninh mạng chỉ giám sát các hành vi khi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật mà thôi.

Luật cũng quy định, chỉ trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng.

Như vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm để bảo vệ người dân trên không gian mạng, chỉ khi nào có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan điều tra mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về tội phạm đó. Luật quy định rõ những điều cấm để người dân biết mà tránh, còn nếu vi phạm thì phải xử lý theo pháp luật.

Do đó, nếu chúng ta chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật thì không phải lo bị các cơ quan chức năng kiểm soát thông tin trên Internet và chỉ có những kẻ làm những việc sai trái mới lo sợ đối diện với bộ luật này.

Có thể khẳng định, mục tiêu lớn nhất mà Luật An ninh mạng hướng tới là đảm bảo an ninh quốc gia, TTATXH trên không gian mạng. Với những quy định rõ ràng, cụ thể thì không có căn cứ nào để nói Luật An ninh mạng cản trở sự phát triển của xã hội, đất nước như một số đối tượng đang xuyên tạc sự thật, bóp méo nhằm kích động người dân thời gian qua

Đối với quy định về việc “cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” là phù hợp với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế và không trái với các điều ước mà nước ta tham gia cũng không cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Bởi, theo thống kê hiện đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước như: Mỹ, Canada, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Úc… Như vậy, thông lệ quốc tế đã có, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này. Về văn phòng đại diện, hiện Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới.

 

Anh Trần Ninh- hiện đang là lập trình viên của một công ty lập trình web, an ninh mạng (Quận 3- TP Hồ Chí Minh)

Hiện nay có khá nhiều thông tin không thống nhất từ cộng đồng mạng về Luật An ninh mạng sắp có hiệu lực. Trong đó, khá nhiều ý kiến cho rằng khi luật được áp dụng, mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm thông dụng là Google sẽ “rút” khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, những ý kiến này chưa xác đáng.

Theo anh Trần Ninh, nếu tìm hiểu kỹ Luật An ninh mạng, sẽ thấy không có chuyện cấm người dùng sử dụng mạng xã hội và có hẳn những quy định không được làm trên mạng xã hội. “Người dùng cứ an tâm sử dụng như bình thường bởi người dùng là đối tượng hưởng dịch vụ cuối cùng, cũng không có chuyện thông tin bị kiểm soát. Hơn nữa, các công ty đa quốc gia như Facebook, Google luôn có những giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng”- anh Ninh chia sẻ.

Cũng theo anh Trần Ninh, việc Luật An ninh mạng quy định các công ty công nghệ phải đặt máy chủ ở Việt Nam cũng là cần thiết bởi hiện nay, đã có khá nhiều nước quy định vấn đề này. Và việc dời các máy chủ thông tin là chuyện không mấy khó khăn với doanh nghiệp…

 

Thiếu tá Trần Thanh Phương- Chính trị viên Đại đội Đào tạo (Trường Quân sự tỉnh)

Theo đánh giá, Việt Nam là nước nằm trong nhóm quốc gia dễ bị tấn công mạng nhiều nhất. Các thế lực thù địch, tội phạm triệt để lợi dụng sự tiện ích của Internet, đặc biệt là mạng xã hội, để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh trật tự, gây bất ổn cho xã hội. Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, như là hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chống phá Đảng, Nhà nước, hoạt động gián điệp, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Nổi lên là các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, lấy cắp thông tin cá nhân, làm nhục, vu khống người khác qua mạng,...

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa có luật về an ninh mạng, trong khi các quy định hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo tôi nghĩ, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là phù hợp với thực tiễn đặt ra, góp phần quan trọng trong việc triển khai bảo đảm an ninh mạng, cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng Internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

 

Đại úy Lê Thị Hồng Lạc- Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh)

Luật An ninh mạng vừa thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Theo tôi được biết, luật có quy định về việc người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tôi cho rằng điều này rất cần thiết để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và điều luật được áp dụng sẽ ngăn chặn hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, đánh cắp dữ liệu của cá nhân, tổ chức chính trị xã hội, trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của quốc gia.

KHÁNH DUY- NGUYỄN THỊNH (lược ghi)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh