Thiết chế văn hóa đô thị- cần và đủ

06:06, 06/06/2018

Nhiều năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa được chú trọng đầu tư ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn- góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt ở các đô thị (ĐT). 

Nhiều năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa được chú trọng đầu tư ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn- góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt ở các đô thị (ĐT).

Tuy nhiên, bên cạnh những “ưu điểm” thì việc đầu tư, khai thác sử dụng… các thiết chế văn hóa sao cho hiệu quả vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Đi thư viện để “hưởng thụ” thiết chế văn hóa ĐT

Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí.

Chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Theo đó, có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở các ĐT nước ta như thư viện, bảo tàng, sân vận động, trung tâm văn hóa…

Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương…

Cô Lê Thị Nguyệt Ánh (81 tuổi, ở Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết, cô thường xuyên đi Thư viện tỉnh mượn sách hoặc sử dụng máy vi tính để sáng tác, lên mạng sưu tầm tài liệu, liên lạc với bạn bè…

Theo cô, sách như người bạn, cái gì không biết thì có thể “hỏi” sách. Cho nên, cô khuyến khích con cháu đọc sách để mở mang kiến thức và đến thư viện vì “thư viện có rất nhiều sách để chọn lựa, lại không tốn kém”.

Đang hí hoáy đọc truyện ở Phòng Thiếu nhi (Thư viện tỉnh), em Nguyễn Đình Thiên Phúc (Phường 3- TP Vĩnh Long) vui vẻ khoe: “Con đã đọc hết Cậu bé bút chì, Conan và Doraemon và vẫn còn nhiều sách hay trong “kho” này. Nghỉ hè là con thích lắm vì được đi chơi và đến thư viện đọc sách thỏa thích”.

Thiên Phúc say sưa với kho sách truyện trong Thư viện tỉnh.
Thiên Phúc say sưa với kho sách truyện trong Thư viện tỉnh.

Bà Lê Thị Kiều Chinh- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Hiện thư viện có khoảng 200.000 bản sách báo, khoảng 2.300 bản tài liệu điện tử, khoảng 200 quyển sách dành cho người khiếm thị… bao gồm tất cả các môn loại.

6 tháng đầu năm, lượng bạn đọc trực tiếp đến thư viện, đọc sách điện tử, truy cập website thư viện và đọc qua các điểm luân chuyển trong nội ô TP Vĩnh Long… gần 467.000 lượt. Trong đó, lượng trực tiếp đến thư viện bình quân khoảng 22 lượt/ngày.

Cũng thường xuyên đến Thư viện tỉnh, ông Trương Quang Phú- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho biết:

“Hiện có nhiều kênh thông tin nên văn hóa đọc đang bị một bộ phận người dân lãng quên, nhất là ở giới trẻ.

Thay vì thường xuyên sử dụng điện thoại, tuổi trẻ nên đọc sách, tiếp cận với nguồn tài liệu từ thư viện… Theo tôi, sách “đáng tin cậy” bởi đã được kiểm duyệt, tồn tại lâu dài…

Muốn thêm hiểu biết và bổ sung tư liệu cho mình thì phải đọc sách, ghi lại những ý hay, khi cần thì giở sách tìm lại. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học, Đoàn thanh niên… nhằm khơi dậy văn hóa đọc.

Thiết chế văn hóa ĐT- cần và đủ

Dù tuổi đã cao, cô Ánh vẫn thường xuyên đi thư viện đọc sách, đánh máy và lên mạng miễn phí.
Dù tuổi đã cao, cô Ánh vẫn thường xuyên đi thư viện đọc sách, đánh máy và lên mạng miễn phí.

Bà Lê Thị Kiều Chinh cho biết thêm, đối tượng bạn đọc của hệ thống thư viện công cộng đa phần là học sinh, sinh viên thường xuyên lên mạng cập nhật tài liệu, các đối tượng khác rất ít.

Cho nên, hiện thư viện đang hướng đến thư viện điện tử- bổ sung sách điện tử và số hóa tài liệu để phục vụ bạn đọc.

Và cũng chính vì lượng bạn đọc quá ít nên thư viện hướng đến phục vụ ngoài thư viện với phương châm “sách đi tìm người” như mang sách đến phục vụ ở Phố đi bộ TP Vĩnh Long, các quán cà phê…; luân chuyển sách đến các trường học, bưu điện, nhà văn hóa ở các xã, trại giam, trung tâm cai nghiện…

Theo bà Lê Thị Kiều Chinh, lượng bạn đọc đến thư viện ít là tình hình chung của hệ thống thư viện tỉnh hiện nay, bởi nhiều lý do. Riêng Thư viện tỉnh Vĩnh Long thì một phần do cơ sở vật chất chưa đáp ứng: phòng nhỏ, kinh phí có hạn, tài liệu có hạn…

Không riêng thư viện, có thể thấy, việc nghiên cứu tìm hướng để thích nghi, đồng thời, cân đối mức đầu tư sao cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân là cần thiết đối với hầu hết các thiết chế văn hóa hiện nay, nhằm hướng đến khai thác hết công năng, hiệu quả, tránh lãng phí.

Chẳng hạn, thời gian qua, bên cạnh những nhà văn hóa phát huy hiệu quả sử dụng, một số nhà văn hóa được xây dựng nhưng tần suất sử dụng ít hoặc sai mục đích, có nơi còn bị bỏ hoang, xuống cấp.

Trong khi, có địa phương bị “vướng” thiết chế văn hóa, cụ thể là chưa có nhà văn hóa (vì thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí… để xây dựng) nên bị “thiếu chuẩn”.

Mà thực tế, theo đánh giá của ngành chức năng địa phương thì không nhất thiết phải xây dựng ngay vì có thể gây lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Xinh- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa TX Bình Minh- cho biết: Thị xã đang xây dựng phường Cái Vồn, Thành Phước và Đông Thuận đạt chuẩn văn minh ĐT.

Trong đó, có nội dung về thiết chế văn hóa- phải xây dựng trung tâm văn hóa của phường. Tuy nhiên, nếu đúng theo quy định thì “nặng” quá, có thể gây lãng phí.

Cho nên, kiến nghị các phường có thể tạm thời sử dụng cơ sở vật chất chung. Ví dụ, 3 phường chỉ cần một sân vận động, công viên thì đã có công viên thị xã…

Bởi vì, thật ra về điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thì các phường đều có, có thể “linh động” tu sửa, tận dụng cho phù hợp. Chẳng hạn, phường Thành Phước có quảng trường- đó cũng có thể tính là 1 điểm...

Thiết nghĩ, thiết chế văn hóa đồng hành và không thể thiếu trong đời sống con người. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi “tiểu vùng” của ĐT (ĐT cũ, vùng ven, ngoại thành, khu ĐT mới…) là những cộng đồng dân cư có nhu cầu khác nhau về sinh hoạt văn hóa.

Do đó, cần nghiên cứu phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp, tránh thiếu thốn gây nghèo nàn đời sống văn hóa, tinh thần nhưng cũng tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí.

Về phía người dân ĐT, cần nâng cao ý thức trong việc khai thác, tận dụng, hưởng thụ… các thiết chế văn hóa để góp phần nâng cao chất lượng sống ở ĐT.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh