'Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ'

08:06, 28/06/2018

Trung tướng Hoàng Phước Thuận - cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) - khẳng định điều này tại buổi họp báo sáng nay 28/6 của Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật An ninh mạng và 6 luật khác.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận - cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) - khẳng định điều này tại buổi họp báo sáng nay 28/6 của Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật An ninh mạng và 6 luật khác.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước ban hành 7 luật vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 5 tháng 6/2018 - Ảnh: Đ.BÌNH
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước ban hành 7 luật vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 5 tháng 6/2018 - Ảnh: Đ.BÌNH

Cùng với Luật An ninh mạng, 6 luật khác đã được thông qua là Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Để người dân yên tâm hoạt động trên mạng

Nói về Luật An ninh mạng, trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết quá trình xây dựng luật đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có sự tham gia, góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon...

Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng...

Cùng với đó là phòng chống tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng cũng như phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng...

Luật cũng yêu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

"Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng", trung tướng Thuận nhấn mạnh.

Trả lời thêm câu hỏi của báo chí, trung tướng Hoàng Quốc Thuận khẳng định: "Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân. Người dân sẽ được Nhà nước bảo hộ khi làm tất cả những việc không bị cấm quy chiếu ở 29 điều của Bộ Luật Hình sự hay những luật liên quan khác".

Trung tướng Thuận cũng cho biết hiện ban soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành luật, dự kiến trong tháng 10/2018 sẽ trình Thủ tướng xem xét ban hành.

Tố cáo qua thư điện tử vẫn được tiếp nhận

Trình bày Luật Tố cáo năm 2018, ông Nguyễn Văn Thanh - phó tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết luật mới kỳ vọng khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết của Luật Tố cáo 2011 đã dẫn đến tình trạng giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, ảnh hưởng trật tự, kỷ cương pháp luật.

Luật Tố cáo mới theo phó tổng Thanh tra Chính phủ là "rất đầy đủ và toàn diện", quy định rõ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.

Luật quy định rõ ngoài bảo vệ người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo cũng được bảo vệ. Phạm vi bảo vệ gồm bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

Luật mới tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như luật cũ, là tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp. Giải thích vì sao chưa tiếp nhận tố cáo bằng thư điện tử, phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết hình thức này "rất khó xác minh" và "thiếu nhân lực để thực hiện".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định các tố cáo qua thư điện tử vẫn được tiếp nhận, các cơ quan tiếp nhận thông tin vẫn phải tham khảo, xem xét và nghiên cứu những đơn thư tố cáo loại này.

Luật Quốc phòng, theo thượng tướng Lê Chiêm - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bổ sung giải thích các từ ngữ như quân sự, chiến tranh nhân dân, phòng thủ đất nước, chiến tranh thông tin, thảm họa, phòng thủ quân khu, phòng thủ dân sự, kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và kinh tế, xã hội với quốc phòng...

Luật cũng bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là một bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.

Luật cũng bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng…

Các luật trên đều có hiệu lực từ 1/1/2019.

Theo TTO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh