Dư luận cho rằng, hành động lôi kéo, kích động thậm chí là quá khích của một bộ phận người dân là hành động phản bội Tổ quốc.
Dư luận cho rằng, hành động lôi kéo, kích động thậm chí là quá khích của một bộ phận người dân là hành động phản bội Tổ quốc.
Những ngày qua, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng một bộ phận nhân dân tụ tập đông người phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thậm chí nhiều người quá khích tràn vào công sở, đốt phá tài sản, dùng đá, gậy gộc tấn công cảnh sát cơ động...
Yêu nước nhưng không nên mù quáng
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), người dân có quyền thể hiện chính kiến của mình bằng biện pháp hòa bình, thông qua nhiều kênh như các tổ chức chính trị - xã hội; hoặc thể hiện bằng văn bản gửi cơ quan Nhà nước…
Tuy nhiên, điều đáng buồn là không ít người lại thể hiện một thái độ cực đoan, nóng vội, không hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề, vô tình lòng yêu nước của họ đã bị lôi kéo, kích động bởi những phần tử xấu dẫn đến vi phạm pháp luật.
Hậu quả nhãn tiền của hành vi kích động này là làm rối loạn xã hội, dễ dàng bị các thế lực thù địch lợi dụng để vu cáo, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). |
“Có thể thấy đa số người tham gia biểu tình cũng không nắm được thông tin, bởi nếu hiểu đúng bản chất vấn đề này thì tại sao phải biểu tình. Quốc hội đã đồng ý lùi thời gian thông qua dự án Luật, điều này cũng đồng nghĩa với việc để người dân, cử tri tiếp tục cho ý kiến. Động thái này cũng phản ánh trách nhiệm của Quốc hội trước quyền lợi và nghĩa vụ của người dân” – ông Lê Văn Cương phân tích.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược – Bộ Công an cho rằng, từ vụ việc này, Quốc hội có trách nhiệm công bố đầy đủ những vấn đề liên quan đến 3 đặc khu kinh tế để người dân tham gia. Bởi mục tiêu cuối cùng của 3 đặc khu này là tạo ra động lực phát triển kinh tế, với mục đích nâng cao đời sống cho người dân. Mục đích tốt đẹp như vậy thì phải làm cho người dân hiểu, để họ đóng góp ý kiến. Hàng triệu người góp ý kiến thì chắc chắn sẽ có ý kiến hay, làm cho Luật tốt hơn, hiệu quả hơn.
Theo vị tướng Công an, lòng yêu nước phải được thể hiện đúng đắn, đầy đủ. Những hành động lôi kéo, kích động thậm chí là quá khích của một bộ phận người dân không phải là hành động thể hiện lòng yêu nước mà chính là phản bội Tổ quốc.
“Không phải lòng yêu nước lúc nào cũng thể hiện đúng, nhưng phải yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh. Dù quyết định của Nhà nước thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm của công dân đều phải thể hiện thái độ bình tĩnh, xem xét, có nhiều kênh để góp ý, thảo luận, kiến nghị chứ không phải tụ tập đông người, phá hoại tài sản” – Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản
Đánh giá cao việc Quốc hội đã đồng ý lùi thời gian thông qua Dự thảo Luật đặc khu, luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán TAND tối cao cho biết, điều này thể hiện Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân.
Cuộc gây rối lần thứ 2 ở TP Phan Thiết, Bình Thuận đã được dập tắt nhanh chóng nhờ lực lượng hỗ trợ của Bộ Công an. |
Ông cũng cho rằng, việc thể hiện tinh thần yêu nước là đúng đắn và rất cần thiết, nhưng không phải bằng sự quá khích, bằng kích động gây rối, đập phá tài sản như vừa xảy ra tại Bình Thuận. Lịch sử đất nước đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh để lại, nên hơn ai hết, dân tộc ta hiểu được giá trị của hòa bình, tự do. Nên không thể chỉ bằng hành động quá khích mà mất đi sự ổn định chính trị mà bấy lâu nay cả dân tộc gây dựng.
“Thể hiện lòng yêu nước phải trong khuôn khổ của luật pháp một cách hòa bình, không để bị lợi dụng, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội” – luật sư Phạm Công Hùng nói và cho biết, khi chính quyền đã xem xét, chấp nhận điều chỉnh nhưng một bộ phận người dân vẫn có những đòi hỏi vô lý, tạo ra sự xung đột không cần thiết là điều không thể chấp nhận được.
Sau sự việc này, chính quyền cũng coi đây là bài học về mặt giáo dục, quan tâm về công tác tư tưởng cũng như tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động người dân có nhận thức pháp luật đúng đắn, không bị các đối tượng lôi kéo, kích động, tham gia vào các hoạt động biểu tình, chống đối trái pháp luật.
Nguyên Thẩm phán TAND tối cao phân tích, việc tụ tập đông người vượt quá sự cho phép, gây rối, đập phá cơ quan công quyền thì đó là dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản. Hành động quá khích của một bộ phận người dân đã để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tạo ra sự náo loạn trong xã hội. Vì vậy, mỗi người dân nói chung cần tỉnh táo để không bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục, nhìn nhận thấu đáo sự việc để có hành động đúng đắn./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin