Phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14 sẽ bắt đầu lúc 9h sáng nay 21/5 tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14 sẽ bắt đầu lúc 9h sáng nay 21/5 tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2017 - Ảnh: Quochoi.vn |
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sẽ được Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trong buổi sáng, trước khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung các báo cáo nêu trên của Chính phủ.
Giám sát về vốn ở doanh nghiệp nhà nước
Kỳ họp thứ 5 dự kiến làm việc khoảng 20 ngày, thông qua 8 dự án luật, trong đó đáng chú ý có Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)...
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến, thảo luận 8 dự án luật khác như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học...
Đối với hoạt động giám sát, Quốc hội dành một ngày để xem xét và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Chất vấn "hỏi nhanh đáp gọn"
Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn theo thể thức mới. Như Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, "thời gian để mỗi đại biểu nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu nêu câu hỏi, người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian cho mỗi lần trả lời là 3 phút".
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự thảo, kỳ họp này nhận được hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị với nội dung phong phú, nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh những nhìn nhận, đánh giá tích cực về công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng thể chế; chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; phấn khởi trước kết quả kinh tế - xã hội, cử tri cũng nêu ra nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc, đòi hỏi có giải pháp giải quyết.
Đặc biệt, cử tri tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân.
"Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường đối thoại, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nhân dân" là nguyện vọng của cử tri được nêu trong báo cáo.
Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, kỳ họp lần này sẽ có một số phiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp đáng chú ý như:
- Thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách ngày 25 và 26-5
- Thảo luận báo cáo giám sát về vốn tại DNNN ngày 28-5
- Chất vấn và trả lời chất vấn ngày 4, 5 và 6-6
- Thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi ngày 13-6
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin